Hàm Tân (Bình Thuận): Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Sở hữu lợi thế có quỹ đất rộng và có ngành nông nghiệp đa dạng, huyện Hàm Tân, đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm khai thác tối đa tiềm năng của địa phương.

Khởi sắc về kinh tế

Hàm Tân nằm cách TP Phan Thiết khoảng 50 km. Sau hơn 17 năm thực hiện Nghị định 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã La Gi trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hàm Tân, kể từ ngày 01/12/2005, bộ máy của huyện Hàm Tân chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, diện mạo địa phương đã từng bước đổi thay, phát triển tương đối toàn diện, nhất là lĩnh vực kinh tế.

Huyện Hàm Tân đã đề ra nhiều chính sách có hiệu quả, toàn diện từng bước khiến cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt trên 43,78 tỷ đồng, đến năm 2021 ước đạt 631 tỷ đồng, tăng hơn 14,4 lần. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá tích cực, hình thành nhiều vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao.

Từ nền tảng phát triển kinh tế đã làm tăng nguồn thu ngân sách, kết quả thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tổng thu ngân sách năm 2020 tăng gần 7 lần so với năm 2005. Việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt.

Huyện Hàm Tân hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, có chiều sâu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Huyện Hàm Tân hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, có chiều sâu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Từ chỗ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay, trên địa bàn huyện được quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN), gồm: KCN Tân Đức diện tích 300 ha; kKCN Sơn Mỹ 1 có diện tích 1070 ha;KCN Sơn Mỹ 2 có diện tích 540 ha; 5 cụm công nghiệp (CCN) và 14 dự án điện mặt trời.

Thời gian tới, khi các KCN, CCN và các nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, UBND huyện Hàm Tân đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện có ngành nông nghiệp phát triển có chiều sâu, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Để đạt những mục tiêu trên, bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các KCN, CCN đã được quy hoạch, huyện Hàm Tân sẽ tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; tái cơ cấu quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch và phát triển đô thị, thực hiện xã hội hóa việc đầu tư, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Phát triển khu du lịch sinh thái, thu hút các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học - công nghệ, ngân hàng và các dịch vụ gắn với du lịch...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Huyện Hàm Tân có vị trí địa lý rất thuận lợi nằm ở cực phía Nam của tỉnh Bình Thuận, phía Bắc giáp với huyện Tánh Linh, phía Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông giáp huyện Hàm Thuận Nam, là những địa phương có nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển vượt bậc trong khu vực Đông Nam Bộ. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, huyện Hàm Tân vốn có nhiều lợi thế để đón đầu, tiếp nhận sự lan tỏa đầu tư trong thời gian tới.

Kể đến, hệ thống giao thông của địa phương rất thuận lợi, với việc đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa được thông xe, chia lửa với tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A, đây là hai tuyến giao thông quan trọng kết nối, giao thương nội khu giữa các khu kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Bộ, đồng thời là nơi trung chuyển đến các địa phương khác ở các tỉnh Miền Tây, Tây Nguyên, Trung Bộ....

Trong nhiều năm qua, địa phương đã rất chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Cụ thể, nhiều tuyến đường được tỉnh Bình Thuận đầu tư trên địa bàn huyện như: tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua Ga Song Phan, Quốc lộ 55...; Đồng thời nâng cấp, sửa chữa, duy tu hơn 400 km đường giao thông do huyện quản lý.

Với nhiều chính sách toàn diện, thiết thực và hiệu quả, huyện Hàm Tân đang từng bước “thay da đổi thịt”, trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, bền vững trong khu vực

Với nhiều chính sách toàn diện, thiết thực và hiệu quả, huyện Hàm Tân đang từng bước “thay da đổi thịt”, trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, bền vững trong khu vực

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông quan trọng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật: đường ven biển Hàm Tân; đường đến trung tâm xã Thắng Hải; hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông trong Khu trung tâm hành chính huyện;

Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp các công trình giao thông như: đường Khu trung tâm hành chính huyện, đường nội thị thị trấn Tân Nghĩa, Tân Minh; đường liên xã Sông Phan - Tân Nghĩa; duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp. Huy động các nguồn lực đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu hàng năm bê tông hóa từ 5-7 km đường giao thông nông thôn.

Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện cho biết, địa phương có quỹ đất rộng, nhiều đồi dốc, sỏi đá, đất cát… Đến nay, Hàm Tân đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao như nhãn xuồng, quýt đường, thanh long, điều, cao su, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng chăn nuôi tập trung cây ăn quả.

Do đó, bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các KCN, CCN đã được quy hoạch, huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp. Tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn tại nhiều địa phương.

Đồng thời, địa phương luôn sẵn sàng chào đón, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm về nông nghiệp làm hạt nhân thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho nhân dân. Nâng cao giá trị cho nông sản địa phương và tạo “đòn bẩy” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, với các KCN, CCN đã được quy hoạch hiện có, huyện đang tiếp tục rà soát điều chỉnh vị trí, tăng diện tích các CCN lên tối đa theo quy định để thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, có công nghệ hiện đại, sạch, thị trường tiêu thụ lớn đến đầu tư nhằm chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho nông sản của huyện.

Về phía huyện sẽ chủ động cung cấp, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thông tin quy hoạch của địa phương; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có khả năng nắm bắt, thực hiện các khâu liên kết.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/ham-tan-binh-thuan-day-manh-thu-hut-dau-tu-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san-381720.html