Hàm Tân: Người dân 3 xã ven biển sẽ có nguồn nước sạch

Ở vùng đất khô hạn Hàm Tân, nước không chỉ cần thiết cho tưới tiêu nông nghiệp mà còn với sinh hoạt đời sống hàng ngày của hàng chục ngàn người dân. Với 3 xã ven biển ở bình độ cao trong huyện như Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải, người dân khi hay tin dự án nâng cấp Nhà máy nước Tân Thắng hoàn thành, họ hy vọng tiếp cận nguồn nước sạch hơn bao giờ hết…

Hàm Tân

 Bồn chứa nước ở Tân Thắng cấp nước cho dân mùa khô.

Bồn chứa nước ở Tân Thắng cấp nước cho dân mùa khô.

Sơn Mỹ cần đầu tư 20 tuyến chính

Những ngày tháng 5 này, trời nóng như đổ lửa, anh Thái Công Ngữ - Chủ tịch UBND xã Sơn Mỹ bức xúc nói: “Năm nào về mùa hè nóng nực này, các giếng đào ở địa phương cũng đối diện cạn kiệt nguồn nước. Hầu hết giếng đào ở đây bơm được nửa khối nước (500 lít) là cạn nguồn, phải đợi cả ngày nguồn nước mới có trở lại. Bởi vậy không ít hộ nằm trong các khu dân cư ở 4 thôn (1, 2, 3, 4) sử dụng giếng đào lâu nay về mùa nắng nóng hầu như phải đi mua nước sạch, với giá 50.000 - 100.000 đồng/m3 tùy theo đoạn đường xe dịch vụ chở đến”. Trong mùa khô hạn này, chi phí tiền nước sinh hoạt mỗi nhà khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tháng, đây cũng là nỗi lo của người dân còn khó khăn ở địa phương khi vừa trải qua dịch Covid-19 phải cách ly ở nhà, không có khoản thu nhập nào thêm… Hiện tại nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Tân Thắng cùng trạm tăng áp được cấp nguồn Nhà máy nước thị xã La Gi lên chỉ mới đáp ứng khoảng 40% hộ dân trong xã nằm dọc theo tuyến đường quốc lộ 55 và một số ít khu dân cư gần tuyến chính. Nước máy mùa hè này chảy đều hơn, hộ lắp thủy kế không còn lo lắng khô vòi như năm ngoái nữa… Tuy nhiên, nguồn nước sạch luôn là nỗi khát khao đối với hơn 1.000 hộ dân xã Sơn Mỹ chưa lắp thủy kế. Anh Thái Công Ngữ - Chủ tịch UBND xã luôn trăn trở điều này, anh chia sẻ thêm thông tin: “Khi nghe tin dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy nước Tân Thắng cấp nước cho 3 xã: Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ xây dựng hơn năm nay vừa hoàn thành, người dân trong xã vui mừng lắm. Nhà máy được bổ sung thêm nguồn nước hồ Sông Dinh 3, nâng công suất lên 2.900 m3/ngày đêm, sẽ cấp nước sinh hoạt thêm vài trăm hộ khu vực Sơn Mỹ. Khi ấy 50% số hộ trong xã sẽ dùng nước máy, số còn lại vẫn sử dụng nước giếng đào như trước nay. Chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện Hàm Tân bổ sung thêm hơn 20 tuyến ống chính vào các khu dân cư ở xa cấp nước sạch cho dân. Mong huyện sớm tạo điều kiện cho xã!”.

Tân Thắng mở rộng đường ống trong năm

Ở phía đầu nguồn Nhà máy nước Tân Thắng sau khi được nâng cấp, người dân sinh sống dọc theo quốc lộ 55 qua địa phương này và khu vực lân cận được hưởng nguồn nước sạch từ các tuyến ống chính. Hiện nhà máy cũng đã lắp đặt thêm cụm xử lý nước Tân Thắng, công suất 1.500 m3/ngày, đêm nâng công suất cấp nước cho người dân trong vùng… Tuy nhiên hiện nay ở các khu vực xa tuyến ống chính, người dân các thôn Cô Kiều, Hồ Lân, Hàm Thắng, Gò Đồn cũng chưa tiếp cận được nước sạch của nhà máy. Ông Ngô Đình Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân Tân Thắng cho biết: “Nhà tôi ở thôn Cô Kiều cách điểm cuối tuyến ống chính Nhà máy nước Tân Thắng 200 m nhưng mấy năm qua chưa có đường ống phụ dẫn vào để lắp đặt thủy kế, chỉ dùng giếng đào từ nhiều năm nay. Nhiều người dân khu vực sâu xa cũng đều dùng nước giếng khoan, giếng đào, mạch nước không ổn định. Về mùa nắng nóng thiếu nước là vậy, một số người dân phải đi mua nước sạch về dùng”.

Giếng cạn nguồn mùa nắng nóng ở Sơn Mỹ.

Giếng cạn nguồn mùa nắng nóng ở Sơn Mỹ.

Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng một số tuyến đường ống chính tại xã Tân Thắng dài khoảng 1.500 m và các tuyến đường ống phụ trong năm nay. “Chúng tôi cùng nhiều người dân địa phương hy vọng sớm khởi công các tuyến ống nước này để được lắp đặt thủy kế sử dụng nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Tân Thắng đã nâng cấp, mở rộng”, ông Ngô Đình Chiến cho biết.

Dự án đầu tư Nhà máy nước Tân Thắng lên 2.900 m3/ngày đêm phục vụ nhân dân 3 xã Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ đã được nâng cấp hoàn thành, theo Công văn số 1435 của UBND tỉnh chỉ đạo trước đó. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Công trình thủy lợi Bình Thuận tiến hành nạo vét hồ chứa nước đập Cô Kiều, tăng nguồn cung cho nhà máy khi nâng công suất hoạt động. 3 xã trên từng là nơi “rốn hạn” vào năm 2016, tỉnh phải “giải cứu” nguồn nước cho hàng chục ngàn hộ dân trong vùng.

Thái Khoa

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ham-tan-nguoi-dan-3-xa-ven-bien-se-co-nguon-nuoc-sach-127290.html