Hàm Thuận Bắc: Khai mở tiềm năng du lịch

Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, huyện Hàm Thuận Bắc còn được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh hữu tình, thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái.

Hàm Thuận Bắc

 Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) – Rừng dầu Hồng Liêm dần hình thành. Ảnh: Đ.Hòa

Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) – Rừng dầu Hồng Liêm dần hình thành. Ảnh: Đ.Hòa

Gần hơn với kỳ vọng

Nếu có dịp đến với Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc chắc hẳn mỗi du khách phải trầm trồ, rồi lặng mình trước vẻ đẹp như tranh vẽ của hồ Hàm Thuận - Đa Mi. Với diện tích mặt nước gần 200ha được bao bọc bởi gần 20 ngọn núi lớn nhỏ khác nhau, hồ Hàm Thuận - Đa Mi trở nên kỳ bí và quyến rũ.

Đâu chỉ vậy, Hàm Thuận Bắc đang hội tụ nhiều sản phẩm du lịch sinh thái đặc sắc khác, như: Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) – Rừng dầu Hồng Liêm; Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận nằm ở xã Đông Giang và Thiền viện Từ Lâm ở xã Hàm Đức. Ngoài ra, Hàm Thuận Bắc còn là địa phương có điều kiện thuận lợi để tỉnh đăng cai tổ chức các giải đua thuyền quốc gia, quốc tế tại hồ Sông Quao, xã Hàm Trí. Đồng thời, du lịch trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long, sản xuất rau an toàn, câu cá trên hồ Sông Quao, hồ Suối Đá cũng là một trong những lợi thế của địa phương.

Đặc biệt, những năm gần đây có một số loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái được hình thành, nhưng chỉ mới dừng ở “tự phát” của người dân, như: Khám phá thác 9 tầng, điểm du lịch tham quan vườn cây ăn trái của hộ Mai Hương và điểm tham quan “Đảo đào hoa” trong lòng hồ Hàm Thuận (thôn Đa Tro, xã Đa Mi). Tuy mới hình thành nhưng các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái ở xã Đa Mi đã thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm hàng ngày. Đáng chú ý trong tháng 6/2020 vừa qua, Công ty TNHH du lịch Lửa Việt – TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tour du lịch mới, nhằm kích cầu du lịch trong nước, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với Chương trình “Theo trăng lên rừng xuống biển”: TP. Hồ Chí Minh – Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) – Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) – Kê Gà (Hàm Thuận Nam) – Phan Thiết. Với thời gian lưu trú 2 ngày 1 đêm tham quan, trải nghiệm tại xã Đa Mi, 35 nhà báo thuộc Hội Nhà báo Việt Nam và các doanh nghiệp lữ hành du lịch các tỉnh phía Nam rất ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, con người thân thiện trên mảnh đất này.

Mới đây nhất, một doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Green Holiday, với tổng vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng. Đây là cơ sở cho Hàm Thuận Bắc phát triển mạnh mẽ các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái trong thời gian tới.

Đúng hướng qua lợi thế, tiềm năng

Để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, giai đoạn 2020 - 2025, huyện Hàm Thuận Bắc khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Điều này không chỉ tạo bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng trong tương lai, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển hệ sinh thái trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để phát triển được loại hình du lịch này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng và phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Theo đó, Hàm Thuận Bắc sẽ dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời tiến hành rà soát, triển khai xây dựng các quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch sinh thái của địa phương. Tăng cường truyền thông, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái; giới thiệu hình ảnh và xây dựng thương hiệu điểm đến để thu hút du khách đến địa phương. Qua đó vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh lập dự án phát triển du lịch sinh thái và mở các tour, tuyến, điểm du lịch. Trong đó có tour khám phá thác 9 tầng, tham quan vườn cây ăn trái, chùa Quan Âm và các đảo nhỏ trong lòng hồ Hàm Thuận bằng thuyền máy, kết hợp nghỉ tại nhà dân (homestay); tour tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) – Rừng dầu Hồng Liêm, hiện đang có 36 loài động vật thuộc 22 họ khác nhau; tour tham quan dã ngoại Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận tại xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số K’ho (xã Đông Giang) và tham quan các công trình kiến trúc, gắn với tu thiền nghỉ dưỡng để thư giãn, chống stress... tại Thiền viện Từ Lâm ở thôn 7, xã Hàm Đức.

Huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân ở địa phương phát triển du lịch sinh thái. Sắp tới đây, huyện hỗ trợ kinh phí cho UBND xã Đa Mi và huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân để tổ chức “Hội chợ trái cây” vào tháng 4 hàng năm, để giới thiệu các loại đặc sản sầu riêng, bơ, chôm chôm, măng cụt... của địa phương. Mặt khác, đẩy mạnh việc hoàn thiện hạ tầng đường giao thông, xây dựng Bến thuyền xã Đa Mi đưa đón khách du lịch đi đến các đảo nhỏ trong lòng hồ Hàm Thuận; đầu tư hạ tầng viễn thông vào thác 9 tầng; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường ĐT 715, vào Khu bảo tồn thiên nhiên (Safari) – Rừng dầu Hồng Liêm và đường vào Khu di tích Tỉnh ủy Bình Thuận; khuyến khích phát triển các hệ thống siêu thị cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ khách du lịch...

Còn khá sớm để nói về hiệu quả du lịch mang lại, nhưng với quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hàm Thuận Bắc sẽ có tên trong “Bản đồ du lịch” của tỉnh Bình Thuận và của cả nước.

NguyỄn Văn BẢy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/ham-thuan-bac-khai-mo-tiem-nang-du-lich-130526.html