Hàm Thuận - hội tụ tiềm năng, lợi thế 'vàng' để phát triển
Xã Hàm Thuận hôm nay đang hội tụ những lợi thế và tiềm năng. Đó là diện tích đất đai, trong đó đất nông nghiệp rộng lớn. Cùng với lợi thế 'vàng' về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông, ngay trên nút giao của tuyến cao tốc huyết mạch Bắc - Nam… làm đòn bẩy cho sự phát triển.

Công trình kè Sông Cái xã Hàm Thuận (Ảnh: N. Lân)
Hội tụ tiềm năng
Sự hội tụ tiềm năng ấy chính là sự hợp nhất từ xã Thuận Minh, xã Hàm Đức và thị trấn Ma Lâm. Sau sáp nhập, xã Hàm Thuận có diện tích tự nhiên 198,36 km2, quy mô dân số 50.680 người. Trong đó, hệ thống giao thông kết nối liên vùng ngày càng hoàn thiện. Đây không chỉ là lợi thế đi lại, mà là điều kiện tiên quyết để phát triển các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao như: dịch vụ logistics, thương mại tổng hợp, công nghiệp chế biến và thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn. Đồng thời, với việc sáp nhập, xã Hàm Thuận có một quỹ đất sản xuất và xây dựng rất lớn. Đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp rộng lớn cần được tái cơ cấu. Bởi thực tế, trong điều kiện của các địa phương cũ, người dân đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá nông sản, nhất là cây thanh long bấp bênh.
Tuy vậy, với nền tảng vững chắc về sản xuất nông nghiệp của địa phương, việc từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thời gian qua đã cho thấy khả năng thích ứng nhanh. Đây là cơ sở để xây dựng xã Hàm Thuận thành một vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, bền vững, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn cử cho thế mạnh này, đó là diện tích gieo trồng hằng năm của xã vượt kế hoạch (9.422/8.700 ha); sản lượng lương thực đạt 42.455/39.220 tấn; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt trên 178 triệu đồng. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như thanh long, lúa... với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.
Xã Hàm Thuận còn có tiềm năng to lớn về phát triển du lịch nông nghiệp - văn hóa - sinh thái. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan tươi đẹp như hồ Núi Thừa, kênh chính Sông Quao, khu vực Ruộng Dinh, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Katê của đồng bào Chăm. Những yếu tố trên cộng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết quý báu được hun đúc qua nhiều thế hệ sẽ là tài sản vô giá, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi...

Thu hoạch lúa nước của bà con dân tộc thiểu số xã Hàm Thuận (Ảnh: N. Lân)
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hàm Thuận lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra ngày 18/7 vừa qua, Bí thư Đảng ủy xã Hàm Thuận (tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Ngọc Thạch đã đặt câu hỏi để tìm lời giải cho các mục tiêu đề ra. Đó là làm sao để Hàm Thuận đạt được tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững? Ngành, lĩnh vực, khu vực nào cần ưu tiên để tạo bước đột phá? Làm thế nào để phát huy hiệu quả tiềm năng về đất đai, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ?... Mục tiêu cuối cùng là kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân cải thiện rõ nét, quốc phòng - an ninh vững chắc, Đảng bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo hiệu quả.
Định hướng các giải pháp thời gian tới, đồng chí Võ Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng khi phát biểu tại đại hội đã nêu ra một số nội dung. Trong đó, nhấn mạnh xã cần xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tạo ra bước đột phá, là hình mẫu tiêu biểu về phát triển sau sáp nhập. Một trong những giải pháp là quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng thương hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hàm Thuận, hướng tới chương trình OCOP. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Vườn thanh long ở xã Hàm Thuận (Ảnh: N. Lân)
Cùng với đó, xã cần tận dụng tối đa lợi thế về giao thông và đất đai để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, logistics. Cần tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch; biến du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng. Xây dựng các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh trên địa bàn. Phải tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, đặc biệt là giao thông nội đồng, thủy lợi, điện, nước sạch và hạ tầng chuyển đổi số, xem đó là đòn bẩy cho sự phát triển.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận cho rằng: Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh. Mọi chủ trương, chính sách đều phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân…
Tin tưởng rằng, xã Hàm Thuận khi hội tụ tiềm năng, lợi thế “vàng”, sẽ sớm trở thành một địa phương phát triển khá của tỉnh vào năm 2030, viết nên một trang sử mới vẻ vang, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ tỉnh và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Sau thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hàm Thuận lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030, một trong những nội dung được địa phương xác định trong nhiệm kỳ tới là tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, trở thành trụ cột của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao, thông minh gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm…