'Hầm trú ẩn' cho giới siêu giàu
Giới siêu giàu luôn đi tìm 'hầm trú ẩn' an toàn để bảo toàn tài sản, đầu tư sinh lời hơn. Việt Nam có thể là bến đỗ tiếp theo.
Lấp đầy nhu cầu bị bỏ ngỏ
Savills vừa thực hiện một bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế của mình tại Đông Nam Á: chính thức mở rộng thêm dịch vụ Private Office. Bộ phận chuyên biệt này hướng tới nhóm đối tượng có giá trị tài sản ròng cao và cực cao, bổ sung đội ngũ người Việt vào mạng lưới chuyên gia toàn cầu.
Dịch vụ Private Office gồm tư vấn đầu tư bất động sản trải dài các phân khúc với đối tượng là các doanh nghiệp, cá nhân, gia đình siêu giàu tại Việt Nam và trên thế giới.
“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các khách hàng siêu giàu của Savills trên thế giới về việc đầu tư bất động sản tại Việt Nam và ngược lại. Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam có mong muốn mở rộng kênh đầu tư tại thị trường quốc tế, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở và thương mại”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ.
Ra mắt tại Anh vào năm 2007, Savills Private Office là sự kết hợp các tiêu chuẩn cao nhất về dịch vụ, mạng lưới, nguồn lực và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia bất động sản. Thời điểm đó, giới đầu tư đánh giá, đây là mô hình mới trong lĩnh vực tư vấn bất động sản, cung cấp cho khách hàng duy nhất một đầu mối liên hệ giàu kinh nghiệm với kiến thức chuyên sâu, hỗ trợ mọi nhu cầu về bất động sản trên toàn cầu.
Savills Private Office mang tới đặc quyền tiếp cận dành cho các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI) và cực cao (UHNWI), các văn phòng gia đình và các cố vấn đối với mọi dịch vụ của Savills trên toàn cầu, từ quản lý tài sản tới các nhu cầu về tìm kiếm, đầu tư bất động sản.
Không riêng Savills, ở cấp độ toàn cầu và khu vực, một tên tuổi khác trong lĩnh vực môi giới bất động sản là Cushman & Wakefield cũng có đội ngũ chuyên gia đặc biệt để tư vấn và quản lý danh mục đầu tư bất động sản cho nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình có khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (sau khi trừ các khoản vay), hay còn được gọi là giới “siêu giàu”.
Thành lập văn phòng tại Việt Nam hơn 15 năm qua, Cushman & Wakefield đã cung cấp dịch vụ bất động sản cho một lượng đáng kể khách hàng siêu giàu. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ, tiềm năng của nhóm nhà đầu tư này rất lớn. Giới siêu giàu thường ưa chuộng đầu tư vào bất động sản và cổ phiếu.
Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm đến bất động sản thương mại, thì giới siêu giàu Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường nhà ở siêu sang và đẳng cấp, dưới hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp cả trong và ngoài nước.
Cushman & Wakefield đã có mặt tại hơn 400 thành phố. Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Hãng tại Đông Nam Á và đội ngũ của hãng môi giới này vẫn tiếp tục phục vụ mọi yêu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.
Theo nghiên cứu của McKinsey & Company, Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và khả năng phục hồi cao trong nhiều thập kỷ trước những thách thức kinh tế và khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng tài chính cá nhân tại Việt Nam vượt xa các nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia trong 10 năm qua.
Khi tài sản tài chính cá nhân tăng lên đáng kể, sẽ phát sinh nhu cầu cao về quản lý tài sản, thúc đẩy dịch vụ tư vấn tài chính theo nhu cầu phục vụ khách hàng cá nhân. Dự kiến, đến năm 2027, thị trường tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam sẽ đạt giá trị khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 11%/năm, từ mức 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Tỷ trọng gia sản được quản lý dự báo cũng tăng, nhưng với mức khác nhau giữa các phân khúc khách hàng. Cụ thể với phân khúc khách hàng giàu, tỷ trọng sẽ tăng khoảng 5,5 lần vào năm 2027, còn với phân khúc khách hàng siêu giàu, thì sẽ tăng gấp đôi trong cùng kỳ. Con số này tương đương cơ hội quản lý tài sản (gia sản) khoảng 65 tỷ USD đến 75 tỷ USD cho các tổ chức.
Nắm trong tay khối tài sản lớn và những dự án đầu tư lớn tại nước ngoài, các cá nhân HNWI/UHNWI và doanh nghiệp Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm tới các dịch vụ và cơ hội đầu tư mới tại nước ngoài với những yêu cầu vô cùng khắt khe. Nhu cầu dịch vụ bất động sản chuyên biệt với mạng lưới hàng đầu là điều mà khách hàng luôn tìm kiếm.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội, khi đối tượng khách hàng chính là các khách hàng tư nhân, văn phòng gia đình, doanh nghiệp đầu tư, thì dịch vụ này không chỉ dừng lại ở việc tư vấn bất động sản. Ngoài phục vụ mục tiêu kinh doanh, Savills còn tập trung mang tới những giải pháp chuyên biệt và chuyên sâu theo nhu cầu của từng khách hàng, với mức độ bảo mật cao. Đội ngũ Savills đồng thời hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch tài sản xuyên biên giới, sử dụng mạng lưới chuyên gia toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Jonathan Hewlett, Chủ tịch, Dịch vụ Savills Private Office cũng nhấn mạnh tính bảo mật trong các thương vụ với các nhà đầu tư thuộc giới siêu giàu.
“Những giải pháp bất động sản được cá nhân hóa với thông tin được bảo mật cao và sẽ đồng hành lâu dài cùng khách hàng”, ông Jonathan Hewlett nói.
Giới siêu giàu tìm “cửa” đầu tư
Theo một công ty tư vấn ở London (Anh), vì muốn có thêm nhiều sự lựa chọn, các nhà đầu tư và doanh nhân giàu có đang chuyển đến EU, Trung Đông và châu Á. Ngược lại, các cá nhân siêu giàu Việt Nam cũng âm thầm khẳng định đẳng cấp khi sở nhiều nhiều bất động sản tại Mỹ, Anh, Australia và Canada.
Nghiên cứu của Công ty Tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho thấy, 1.400 cá nhân có tài sản trên 1 triệu USD đã đi khỏi nước Anh trong năm 2022. Trước đó, số người có tài sản trên 1 triệu USD đã đi khỏi nước Anh được ghi nhận vào các năm 2017; 2018 và 2019 lần lượt là 4.200; 2.800 và 2.200.
Cũng theo công ty tư vấn này, nhiều triệu phú đang tìm đến Trung Đông, châu Á và xem đây là những điểm đến đầy hứa hẹn để tái định cư. Ví dụ, theo ước tính, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đón dòng triệu phú lớn nhất trong năm 2023; nhiều triệu phú đã chuyển đến Dubai hơn là đến Singapore và cả các khu vực đồng Euro, Trung - Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, ngày càng nhiều công ty môi giới bất động sản ở châu Á, châu Âu thành lập văn phòng tại Dubai. Đặc biệt, thị trường quy mô nhỏ như Việt Nam đang trở thành điểm đến của giới này.
Báo cáo The Wealth Report 2023 của Knight Frank cho biết, Việt Nam xếp vị trí thứ 5 trong 5 điểm đến đầu tư bất động sản yêu thích nhất của giới siêu giàu Singapore. Theo hãng môi giới bất động sản này, một trong những yếu tố tạo nên sự thu hút của bất động sản Việt Nam là giá căn hộ hạng sang phải chăng so với các đô thị khác.
Cụ thể, TP.HCM đứng thứ 3 về mức giá phải chăng của căn hộ hạng sang, sau Sao Paulo (Brazil) và Cape Town (Nam Phi). Knight Frank tính toán, với 1 triệu USD, có thể mua được đến 162 m2 bất động sản hạng sang tại TP.HCM, trong khi chỉ mua được 35 m2 tại Singapore.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới bất động sản thương mại Việt Nam, phần lớn trong số đó đến từ nguồn vốn tư nhân vào năm 2022 và xu hướng này tiếp tục trong năm 2023. “Tuy vậy, định giá bất động sản trong nước cũng chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ khắp châu Á”, ông Alex Crane nói.
Lý do là, nhà đầu tư tư nhân cũng có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các nền kinh tế đang phát triển khác, hoặc tại những thị trường phát triển nơi có lợi thế hơn Việt Nam về độ an toàn và khả năng sinh lợi.
Theo ông Kevin Phạm, đại diện một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Canada, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam rót vốn vào bất động sản nước ngoài thường rơi vào 4 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người muốn định cư tại nước ngoài, mua nhà để đoàn tụ gia đình.
Nhóm thứ hai là những người rất giàu, muốn phân bổ rủi ro bằng việc đầu tư bất động sản ở các nước tương đối ổn định để bảo toàn tài sản.
Nhóm thứ ba gồm những người vừa định cư, vừa đầu tư để hưởng các phúc lợi của nước sở tại, như sở hữu thẻ xanh, quốc tịch, các ưu đãi về thuế, kinh doanh, giáo dục… hoặc các điều kiện sống, cơ sở vật chất tiên tiến của nước đó.
Nhóm thứ tư là tầng lớp trung lưu hoặc trên trung lưu, với đặc điểm là trẻ tuổi, có tài sản tích lũy vừa phải và mong muốn định cư ở nước ngoài để phát triển. Đây tạm gọi là nhóm “tìm vùng trời mới” tại những nước có cơ chế hấp dẫn và ưu đãi đối với doanh nghiệp mới thành lập, start-up, như Singapore.
“Trong khi thị trường bất động sản tại các nước đang phát triển như Việt Nam tăng trưởng nóng, thu hút nhà đầu tư nước ngoài với lợi nhuận cao, thì nhà đầu tư Việt Nam sau giai đoạn tích lũy lại muốn đầu tư ở các nước ổn định để phân bổ rủi ro và duy trì tài sản. Hai trường phái đầu tư khác nhau thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau của nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài”, ông Kevin Phạm phân tích.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ham-tru-an-cho-gioi-sieu-giau-d210923.html