Hầm xuyên núi nghìn tỷ của Việt Nam hiện đại nhất Đông Nam Á, thuộc hàng top thế giới, được thiết kế vĩnh cửu

Ở Việt Nam có một hầm xuyên núi đã hoạt động được 20 năm, nhưng nay vẫn được đánh giá là hiện đại bậc nhất khu vực.

Tính đến 2023, đã 20 năm kể từ ngày thông hầm Hải Vân. Con hầm đường bộ có thể đánh giá là “huyền thoại” của Việt Nam. Đèo Hải Vân vốn dĩ đã là ranh giới tự nhiên của TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây từng được vua Lê Thánh Tông đánh giá là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Về sau, triều Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô và đèo Hải Vân trở thành cửa ngõ kinh sư.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở đèo Hải Vân có một đoạn đường bộ dài gần 21km. Theo thời gian, con đường này dù được nâng cấp, sửa chữa vẫn rất nguy hiểm với các lái xe. Nó vòng vo, uốn lượn theo sườn núi. Những khúc cua tử thần quả thật là nỗi ám ảnh với bất cứ ai đi qua. Cứ vào mùa mưa bão, việc đi qua đèo Hải Vân trở thành thử thách lớn. Để giải quyết vấn đề này, một đường hầm xuyên núi đã được Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và một phần đối ứng của Nhà nước.

Công trình hầm đường bộ Hải Vân dài 12,047km, được thiết kế vĩnh cửu và tốc độ thiết kế là 80km/h. Trong đó, hầm chính dài 6.280m có chiều rộng 10m cho 2 làn xe, độ cao cho phép xe đi qua là 7,5m; hầm cứu nạn chạy song song với hầm chính và có chiều dài tương tự, chiều rộng 4,7m, được nối với nhau bằng các hầm ngang, là đường thoát hiểm cho người và phương tiện khi có sự cố xảy ra.

Thời điểm xây dựng, hầm đường bộ Hải Vân là con hầm đường bộ dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á. Nó còn nằm trong top 30 đường hầm dài nhất trên thế giới.

Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân. Nhưng vào dịp lễ, Tết thì con số này phải tăng gấp đôi. Vì thế mà hầm được làm dạng hình tròn để tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất ở góc.

Khi chưa có hầm Hải Vân, tài xế mất đến 1 tiếng đồng hồ để vượt qua đoạn đường đèo dài hơn 21km.Nhưng sau khi nó hoàn thành, con số này đã được rút ngắn xuống chỉ còn 6 phút mà thôi. Cũng kể từ khi đi vào hoạt động, hầm đường bộ Hải Vân đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông hành lang kinh tế Đông – Tây, góp phần đưa khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam xích lại gần với khu vực Đông Nam Á và quốc tế hơn.

Theo Sở hữu trí tuệ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/ham-xuyen-nui-nghin-ty-cua-viet-nam-hien-dai-nhat-dong-nam-a-thuoc-hang-top-the-gioi-duoc-thiet-ke-vinh-cuu/20250118033612156