Hàm ý chính trị đằng sau việc Trung Quốc mua gần 300 máy bay Airbus
Boeing bày tỏ thất vọng trước đơn đặt hàng 292 máy bay Airbus của các hãng hàng không Trung Quốc, thừa nhận cuộc đối thoại giữa các chính phủ châu Âu và Trung Quốc đã dẫn đến thành quả này,
Theo trang hk01.com, ba tập đoàn hàng không lớn của Trung Quốc ngày 1/7 thông báo đã ký thỏa thuận mua 292 máy bay dòng A320neo của Airbus.
Trong đó, Air China và China Southern Airlines mỗi hãng sẽ mua 96 chiếc A320neo trị giá 12,2 tỷ USD và China Eastern Airlines sẽ mua 100 chiếc cùng loại, trị giá 12,8 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên ngành hàng không dân dụng Trung Quốc công bố đơn hàng máy bay chở khách lớn như vậy trong vòng 3 năm qua.
Đây cũng là lần thứ hai Trung Quốc mua một lượng lớn máy bay thương mại kể từ sau khi Tập đoàn vật tư hàng không Trung Quốc (China Aviation Supplies Holding Company) ký thỏa thuận mua 300 máy bay với Airbus vào năm 2019. Vào thời điểm đó, Trung Quốc mua 290 chiếc dòng A320 và 10 chiếc dòng A350. Lần này tất cả các đơn hàng đều là dòng A320.
Theo số liệu do Airbus và Cơ quan phân tích dữ liệu hàng không Cirium công bố, tính đến tháng 5/2022, trong số các máy bay chở khách một lối đi do các hãng hàng không Trung Quốc khai thác, Airbus có tổng cộng 1.771 máy bay, chiếm 55% thị phần.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, gã khổng lồ hàng không Boeing của Mỹ luôn chiếm vị trí áp đảo trên thị trường máy bay thương mại toàn cầu, trong khi máy bay thương mại ở các nước châu Âu không chịu được sức ép cạnh tranh của Mỹ, đã từng phải rút lui. Hiện tại, rõ ràng Boeing đang gặp bất lợi trên thị trường Trung Quốc.
*"Trái đắng" của Boeing
Boeing bày tỏ thất vọng trước đơn đặt hàng 292 máy bay Airbus của các hãng hàng không Trung Quốc, thừa nhận cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các chính phủ châu Âu và Trung Quốc đã dẫn đến thành quả này, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ và Trung Quốc có các cuộc thảo luận hiệu quả.
Boeing cho biết trong một tuyên bố qua email rằng là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và có mối quan hệ 50 năm với ngành hàng không Trung Quốc, thật đáng thất vọng khi sự khác biệt về địa chính trị tiếp tục hạn chế xuất khẩu máy bay của Mỹ, hy vọng sẽ nhanh chóng khôi phục các đơn đặt hàng và giao hàng.
Boeing trong nhiều năm qua luôn coi hãng hàng không Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, nhưng sau hai vụ rơi máy bay của mẫu máy bay 737 Max bán chạy nhất và căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các đơn hàng của Boeing tại Trung Quốc đã chậm lại.
Tháng 5/2022, China Southern Airlines đã loại bỏ hơn 100 máy bay Boeing 737 Max khỏi kế hoạch đội bay ngắn hạn của mình do việc giao hàng không chắc chắn. Cho đến thời điểm này, Boeing chỉ mới giao 1 máy bay thương mại cho Trung Quốc, trong khi Airbus đã giao 47 chiếc.
Mới đây, một bài viết trên trang Politico của Mỹ đưa ra nhận định về lý do Boeing sụt giảm thị phần tại Trung Quốc. Bài báo cho rằng Airbus của Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ sâu sắc với tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc, nói rằng trong khi doanh số bán hàng của Boeing tại Trung Quốc bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì Airbus đã đã thành công hơn ở Trung Quốc.
Các phương tiện truyền thông Mỹ mô tả sự phát triển của Airbus ở Trung Quốc theo kiểu “thổi phồng” phi lý trí. Các yếu tố như hiệu suất sản phẩm là cơ sở quan trọng để các hãng hàng không Trung Quốc lựa chọn hợp tác với Airbus. Việc thổi phồng mối quan hệ hợp tác mua sắm hàng không dân dụng giữa Trung Quốc và châu Âu từ góc độ địa chính trị không thể giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự là thị phần đang sụt giảm ở Trung Quốc.
*Airbus rất quan tâm đến Trung Quốc
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với Airbus và là một thị trường quan trọng của đối thủ là Boeing của Mỹ. Cả hai đều đang cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Kể từ khi sản xuất máy bay Max đến nay, Airbus đã đi trước Boeing trong việc cạnh tranh các đơn đặt và thị phần.
Airbus cho biết tính đến cuối tháng 5/2022, tổng số đội bay Airbus đang phục vụ trong các hãng hàng không Trung Quốc là trên 2.070 chiếc. Trong đó không chỉ bao gồm máy bay chở khách mà còn bao gồm các loại khác như máy bay trực thăng. Tính đến cuối năm 2018, số lượng máy bay dân dụng của Airbus đang phục vụ tại Trung Quốc là trên 1.700 chiếc và tổng số máy bay giao cho Trung Quốc chiếm gần 1/4 tổng số máy bay của Airbus giao cho khách.
Điều đáng chú ý là kể từ khi thâm nhập thị trường Trung Quốc vào giữa những năm 1980, Airbus đã nội địa hóa giống như một số công ty đa quốc gia khác.
Theo trang web chính thức của Airbus, hãng có hơn 1.900 nhân viên tại Trung Quốc, bao gồm các công ty liên doanh đặt tại nhiều nơi khác nhau. Trong số đó, nhiều nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp cuối cùng của dòng máy bay A320 ở Thiên Tân, Trung Quốc. Dây chuyền lắp ráp cuối cùng được mở vào năm 2008.
Vào tháng 10/2020, chiếc máy bay thứ 500 được sản xuất từ dây chuyền lắp ráp cuối cùng này đã được giao cho khách hàng. Năm 2017, Trung tâm hoàn thiện và giao nhận máy bay A330 mới đã được khai trương tại Thiên Tân, Trung Quốc. Trung tâm này nằm trong cùng khuôn viên với dây chuyền lắp ráp máy bay dòng A320 ở châu Á và trung tâm giao nhận Airbus Thiên Tân. Đây là trung tâm hoàn thiện và giao hàng máy bay thân rộng đầu tiên của Airbus bên ngoài châu Âu. Trung tâm này chịu trách nhiệm lắp đặt cabin, sơn, bay thử, nghiệm thu khách hàng và bàn giao máy bay A330.
Điều đặc biệt đáng nói là dòng máy bay A320neo lần này, ở góc độ hiệu suất sản phẩm, dòng A320neo được tích hợp những công nghệ mới như động cơ thế hệ mới, có thể giảm 20% mức tiêu hao nhiên liệu và giảm đáng kể chi phí cho các hãng hàng không. Để đáp ứng các đơn đặt hàng ngày càng tăng, Airbus đang tiến hành kế hoạch tăng sản lượng dòng máy bay A320 bán chạy nhất của mình lên 75 chiếc/tháng vào năm 2025.
Ngoài ra, tháng 11/2017, Trung tâm đổi mới sáng tạo chi nhánh Trung Quốc của Airbus đã đặt trụ sở tại Thâm Quyến, dự định đẩy nhanh sự đổi mới trong lĩnh vực hàng không bằng cách tận dụng lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Thâm Quyến trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghiệp hóa và mở rộng thị trường quốc tế.
Năm 2019, hãng Airbus và Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ về phát triển hơn nữa hợp tác công nghiệp, đánh dấu việc tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác lâu dài của Airbus với Trung Quốc.
Ngày 24/6, Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Airbus Trung Quốc đã ký hợp đồng đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Tô Châu. Airbus cam kết dẫn đầu quá trình khử cacbon trong ngành hàng không vũ trụ và công ty đang nỗ lực hướng tới việc đưa chiếc máy bay thương mại không phát thải đầu tiên trên thế giới ra thị trường vào năm 2035.
Việc thành lập trung tâm R&D tiếp tục mở rộng dấu ấn công nghiệp của Airbus tại Trung Quốc, chứng tỏ rằng Airbus đã “bám rễ” vào Trung Quốc và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác.
* Ý nghĩa chính trị của 292 máy bay
Đơn hàng lớn này là kết quả hợp tác sau nhiều cuộc đàm phán. Thông báo được đưa ra vào thời điểm mà chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa Trung Quốc vào danh sách “thách thức”.
Thực tế là ở đây - lợi ích của Trung Quốc và EU không có bất kỳ mâu thuẫn cơ bản nào, nhiều nhất là có sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai bên. Về mặt địa lý và kinh tế, hai bên không có mâu thuẫn, lợi ích chung của hợp tác Trung Quốc-EU về mặt khách quan lớn hơn nhiều so với mâu thuẫn.
Trung Quốc cũng hiểu rất rõ ràng rằng Mỹ và EU có những khác biệt chiến lược trong các vấn đề đối với Trung Quốc, điều này quyết định bởi lợi ích cơ bản của họ.
Thị trường Trung Quốc quá lớn, chỉ riêng thị trường máy bay chở khách đã là một ngành kinh doanh nghìn tỷ USD. Boeing và Airbus là các công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất máy bay chở khách cỡ lớn. Đây không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị. Sau khi Hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU được ký kết thì lợi ích hai bên thu được còn lớn hơn.
Năm 2022, khi cả thế giới đang hướng tới sự phục hồi kinh tế thì kinh tế toàn cầu lại gặp phải những thách thức rất lớn. Trong quý I/2022, nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng âm hàng tháng và nền kinh tế châu Âu cũng có mức tăng trưởng gần như bằng 0. Nền kinh tế châu Âu cần một thị trường khổng lồ để kích thích và cũng cần một nhu cầu thị trường ổn định và chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp. Do đó nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu có tính bổ sung cao cho nhau./.