Hàm Yên thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới
Xác định phát triển giáo dục là một trong những tiêu chí then chốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Hàm Yên đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đó là tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Theo quy định, xã đạt tiêu chí số 5 khi có 70% trở lên số trường (mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS) trên địa bàn xã có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 khi đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 trở lên, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trở lên, xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 70% trở lên. Huyện đạt chuẩn NTM khi có tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia từ 60% trở lên.
Để thực hiện được những tiêu chí đó, huyện Hàm Yên đã đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Do đó, hệ thống trường lớp từng bước được đầu tư khang trang, cơ bản đủ các phòng học, phòng chức năng, chuyên môn góp phần phục vụ hoạt động dạy và học. Tính từ năm 2016 - 2020, toàn huyện đã huy động được trên 150 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình trường học; trong đó, nguồn ngân sách của huyện là trên 111 tỷ đồng, nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 4,6 tỷ đồng và nguồn vốn trực tiếp từ chương trình NTM là 33,8 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 4/17 xã là Bình Xa, Thái Hòa, Đức Ninh, Nhân Mục đạt tiêu chí số 5, dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm xã Minh Dân và Phù Lưu đạt thêm tiêu chí số 5 và 17/17 xã đạt tiêu chí số 14.
Năm học này, trường Tiểu học Bình Xa được trang bị thêm cơ sở vật chất khang trang hơn với nhiều tiện nghi phục vụ cho công tác giảng dạy. Cô giáo Lê Thị Hoài Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhà trường được xây dựng mới dãy nhà 2 tầng với 12 phòng học và phòng bộ môn. Hiện cơ sở vật chất đã đảm bảo cho công tác dạy và học với 24 phòng học đủ diện tích; bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn; có phòng y tế, thư viện, phòng truyền thống... Năm 2014, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và luôn cố gắng giữ vững qua các năm.
Cùng với trường tiểu học, trường mầm non, trường THCS Bình Xa cũng đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Đây là sự nỗ lực lớn của huyện, xã trong quá trình xây dựng trường chuẩn, bởi Bình Xa là xã điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Xã Phù Lưu là 1 trong 2 xã của huyện Hàm Yên sẽ về đích NTM trong năm 2020. Ngay khi bắt đầu xây dựng NTM, UBND xã Phù Lưu đã tiến hành khảo sát hiện trạng mạng lưới trường học trên địa bàn, từ đó quy hoạch xây dựng trường học gắn với xây dựng NTM. Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, để từng bước đạt được các tiêu chí số 5 và số 14, xã đã tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân để sửa chữa, nâng cấp, xây mới các phòng học. Trong năm 2020, xã Phù Lưu được đầu tư gần 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng và sửa chữa các trường học mầm non, tiểu học và THCS.
Nhờ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân, đến nay trên địa bàn huyện, số trường đạt chuẩn quốc gia là 27/66 trường (mầm non có 8/18 trường, tiểu học có 9/21 trường, THCS có 9/24 trường, THPT có 1/3 trường đạt chuẩn). Dự kiến, đến hết năm 2020 có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia là trường Mầm non, Tiểu học Phong Lưu, THCS Phù Lưu và trường Tiểu học, THCS xã Minh Dân.
Để trở thành huyện đầu tiên của tỉnh cán đích NTM, huyện Hàm Yên sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng nguồn lực địa phương và huy động đóng góp của nhân dân để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện sẽ triển khai rà soát các tiêu chí đối với lĩnh vực này để tham mưu đề xuất kịp thời; tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường học đáp ứng tiêu chí nông thôn mới…