Hamas: 195 người thiệt mạng tại trại tị nạn Jabalia
Trong bối cảnh Israel IDF đẩy mạnh các nỗ lực tấn công của mình, chính phủ do lực lượng vũ trang Hamas điều hành ngày 2/11 cho biết các cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia đã khiến ít nhất 195 người thiệt mạng.
Nhằm đáp trả lại cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng, Israel đã tiến hành các đợt tấn công Gaza bằng đường bộ, đường biển và cả đường hàng không. Tới ngày 31/10 và 1/11, nước này tiếp tục tiến hành không kích vào Jabalia, một khu vực ở Gaza được thành lập làm trại tị nạn vào năm 1948.
Theo Reuters trích dẫn tuyên bố của Israel, các cuộc tấn công đã thành công tiêu diệt 2 thủ lĩnh quân sự của Hamas. Nước này cũng đồng thời cáo buộc nhóm này thiết lập các trung tâm chỉ huy và “cơ sở hạ tầng khác bên dưới, xung quanh và bên trong các tòa nhà dân sự nhằm cố ý gây nguy hiểm cho dân thường Gaza".
Tuy nhiên, Hamas bác bỏ các cáo buộc này. Ngày 2/11, Văn phòng truyền thông do Hamas điều hành ở Gaza cho biết ít nhất 195 người Palestine đã thiệt mạng trong 2 cuộc tấn công của Israel vào Jabalia. Ngoài ra, có khoảng 120 người mất tích cùng ít nhất 777 người bị thương. Tính tới hiện tại, cơ quan y tế Gaza cho biết ít nhất 8.796 người Palestine, trong đó có 3.648 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10.
Khi các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn, điều kiện sống của người dân thường Gaza đang dần trở nên tuyệt vọng dưới lệnh phong tỏa thực phẩm, nhiên liệu, nước uống và thuốc men của Israel.
Israel đã từ chối cho phép các đoàn xe nhân đạo mang nhiên liệu vào, với lý do lo ngại rằng các chiến binh Hamas sẽ chuyển số nhiên liệu này sang mục đích quân sự. Điều này khiến các bệnh viện, trong đó có bệnh viện ung thư duy nhất ở Gaza, buộc phải đóng cửa do tình trạng thiếu nhiên liệu.
Reuters dẫn lời ông Ashraf Al-Qudra, người phát ngôn của Bộ Y tế Gaza, cũng cho biết máy phát điện chính tại Bệnh viện Indonesia không còn hoạt động do thiếu nhiên liệu. Bệnh viện đang chuyển sang sử dụng máy phát điện dự phòng nhưng sẽ không thể cấp điện cho máy tạo oxy và một số thiết bị khác nữa. Ông nhấn mạnh nếu không nhận được nhiên liệu trong vài ngày tới, chắc chắn cơ sở này “sẽ gặp phải thảm họa”.
Ở một diễn biến khác, cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh nỗ lực đình chiến và ngừng bắn vì mục đích nhân đạo. Dự kiến ngày 2/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thực hiện chuyến thăm thứ hai tới Israel trong vòng chưa đầy một tháng.
Phát ngôn viên cho biết ông Blinken có kế hoạch gặp các quan chức Israel, trong đó có Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 3/11 để bày tỏ tình đoàn kết nhưng cũng để khẳng định lại sự cần thiết phải giảm thiểu thương vong cho dân thường Palestine.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tới thăm Jordan – quốc gia ngày 31/10 vừa rút đại sứ của mình khỏi Tel Aviv cho tới khi Israel chấm dứt cuộc tấn công vào Gaza. Trong khuôn khổ chuyến thăm Jordan, ông Blinken sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng dân thường và nhắc lại cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo người Palestine không bị buộc phải di dời khỏi Gaza, một mối lo ngại ngày càng tăng ở các quốc gia Ả Rập.
Trong khi đó tại Quốc hội Mỹ, Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số ngày 2/11 sẽ tiến hành thông qua dự luật cung cấp viện trợ độc lập trị giá 14,3 tỷ USD cho Israel. Tuy nhiên, dự luật này khó có khả năng trở thành luật cho vấp phải sự phản đối của cả Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Nhà Trắng. Thay vì viện trợ độc lập cho Israel, Tổng thống Joe Biden muốn một dự luật viện trợ trị giá tổng cộng 106 tỷ USD cho Israel, Ukraine, an ninh biên giới và viện trợ nhân đạo cũng như cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.