Hamas và Fatah ký thỏa thuận chấm dứt chia rẽ tại Bắc Kinh
Các phe phái Palestine, bao gồm hai phe đối lập là Fatah và Hamas, đã ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt chia rẽ và tăng cường đoàn kết sau một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Đài truyền hình Trung Quốc CCTV và hãng CNN hôm nay (23/7) đưa tin, việc ký thỏa thuận diễn ra sau các cuộc đàm phán hòa giải liên quan tới 14 phe phái Palestine diễn ra ở Bắc Kinh, bắt đầu từ ngày 21/7.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, thỏa thuận trên dành riêng cho sự hòa giải và đoàn kết tuyệt vời của tất cả 14 phe phái.
"Kết quả cốt lõi là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp duy nhất của tất cả người dân Palestine", ông Vương Nghị nói và cho biết thêm: "Các bên đã đi tới một thỏa thuận về quản trị Gaza hậu xung đột và thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc tạm thời".
Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc không nói rõ Hamas, vốn không phải là một phần của PLO, sẽ giữ vai trò như thế nào hoặc ảnh hưởng tức thời của thỏa thuận sẽ ra sao.
Các cuộc đàm phán được tổ chức trong bối cảnh việc quản lý các vùng lãnh thổ của người Palestine trong tương lai vẫn là một câu hỏi vì giới lãnh đạo hiện nay của Israel đã thề xóa sổ Hamas sau khi nhóm này tấn công nam Israel vào 7/10/2023.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là một liên minh gồm các bên đã ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1993 và thành lập chính phủ mới trong Chính quyền Palestine (PA). Fatah chi phối cả PLO và PA - chính phủ lâm thời của người Palestine được thành lập ở Bờ Tây, sau khi Hiệp định Oslo được ký kết vào năm 1993. Hamas không công nhận Israel.
Hamas và Fatah có lịch sử đối đầu gay gắt. Hai bên đã cố gắng và thất bại nhiều lần khi cố đi tới một thỏa thuận thống nhất hai vùng lãnh thổ riêng biệt của Palestine dưới một cơ cấu quản lý chung. Năm 2006, Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp và nắm quyền kiểm soát dải Gaza vào năm 2007. Kể từ đó, Hamas quản lý Gaza trong khi PA nắm quyền ở Bờ Tây.
Những nỗ lực kể từ năm 2007 của các nước Ảrập, do Ai Cập dẫn đầu, cho đến nay vẫn chưa thể chấm dứt tranh chấp chia sẻ quyền lực giữa Hamas, lực lượng điều hành Gaza và phong trào Fatah, vốn là xương sống của Chính quyền Palestine.
Mối quan hệ của Trung Quốc với người Palestine bắt đầu từ những năm 1960 khi Bắc Kinh cung cấp lương thực, vũ khí, đào tạo và hỗ trợ cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).