Hạn chế các sự kiện tập trung đông người để phòng dịch
Chiều 27-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, hiện nay nguy cơ dịch bệnh rất cao, không chỉ từ các nước có biên giới với Việt Nam mà còn từ các chuyên gia vào làm việc, bà con bị kẹt ở nước ngoài trở về...
Chiều 27-4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh, hiện nay nguy cơ dịch bệnh rất cao, không chỉ từ các nước có biên giới với Việt Nam mà còn từ các chuyên gia vào làm việc, bà con bị kẹt ở nước ngoài trở về...
Do vậy, cần tiếp tục có các biện pháp ngăn chặn, kiên trì nguyên tắc "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả". Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, các lực lượng liên quan, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở tăng cường vận động, tuyên truyền đến người dân ở các tỉnh biên giới và trên toàn quốc, nếu thấy người từ nước ngoài trở về thì báo cho chính quyền, lực lượng chức năng.
Trước thực tế hầu hết bà con Việt kiều nhập cảnh qua biên giới đường bộ có hoàn cảnh rất khó khăn, Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị Chính phủ không thu phí cách ly, xét nghiệm; không để một số người vì lý do phải đóng phí cách ly, xét nghiệm mà vượt biên, nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép phải bị xử lý nghiêm, không thể vì một vài người mà gây họa cho đất nước. Những địa phương có nguy cơ cao, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam, cần tăng cường năng lực xét nghiệm để chủ động, phát hiện sớm các ca mắc Covid-19.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho các bộ, ngành liên quan rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung; bảo đảm cách ly tuyệt đối an toàn, không để lây nhiễm chéo, đồng thời có phương án mở rộng các khu cách ly sẵn sàng cho trường hợp có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ để tất cả các cơ sở cách ly tập trung đều được lắp đặt ca-mê-ra giám sát, kết nối trực tuyến. Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự điều hành thống nhất khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo thẩm quyền được giao, nếu cách ly các vùng ở khu vực giáp ranh với tỉnh, thành phố khác thì phải có sự bàn bạc, thống nhất. Trường hợp giãn cách, cách ly toàn tỉnh phải trao đổi ý kiến với các tỉnh, thành phố lân cận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ cơ sở, trang thiết bị, vật tư bảo đảm đầy đủ cho phòng, chống dịch, điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phải đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, nhất là việc thực hiện thông điệp 5K, xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Bộ Y tế phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là vấn đề đeo khẩu trang.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 27-4 ghi nhận năm ca mắc mới Covid-19 (người bệnh từ 2.853 đến 2.857), trong đó có bốn ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Nguyên, Hà Nội, Khánh Hòa và một ca lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái (người bệnh 2.857). Cụ thể, người bệnh 2.857 (nam, 63 tuổi, địa chỉ TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), là lễ tân khách sạn, có tiền sử dịch tễ phục vụ hằng ngày tại khu cách ly có chuyên gia Ấn Ðộ đang cách ly tại khách sạn (đã ghi nhận có bốn chuyên gia Ấn Ðộ nhiễm Covid-19). Trường hợp này đã được cách ly tập trung nghiêm ngặt từ ngày đầu tiếp xúc với đoàn chuyên gia tại khách sạn (ngày 18-4). Hiện, các người bệnh đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh.
Trong ngày 27-4, các Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh khu vực phía nam. Ðoàn do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long. Bộ trưởng Y tế đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần có kịch bản tiếp nhận, cách ly số lượng lớn các trường hợp F1 , F2; không nên tập trung đông người trong các ngày lễ, sự kiện đông người; tuân thủ thông điệp 5K trong phòng, chống dịch, nhắc nhở, xử phạt người dân không mang khẩu trang nơi công cộng… Bộ trưởng Y tế cũng đề nghị Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh nhanh chóng viện trợ cho tỉnh Vĩnh Long máy xét nghiệm SARS-CoV-2 để chủ động trong công tác sàng lọc và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nghi nhiễm. Dịp này, Bộ Y tế trao tặng ngành y tế tỉnh Vĩnh Long hai máy thở BENNET 840, 37 máy thở VFS410, 35 máy thở ELICIAE MV 20, năm máy theo dõi bệnh nhân, năm bơm tiêm kim điện, một tủ lạnh bảo quản vắc- xin.
Ðoàn công tác do Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên dẫn đầu có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Ðoàn đề nghị tỉnh Long An kiểm soát chặt những trường hợp nhập cảnh trái phép; đối với người dân về Việt Nam không có giấy tờ, cần phải cố gắng tuyên truyền vận động bà con yên tâm ở lại đất bạn để sinh sống và chấp hành tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Những trường hợp vì những lý do đặc biệt phải về Việt Nam, kể cả trường hợp không có giấy tờ thì coi như trường hợp đó có giấy tờ, yêu cầu khai báo đầy đủ, đưa vào Việt Nam theo con đường chính thống. Thực hiện ngay phương án sàng lọc bằng cách xét nghiệm tất cả các thành phần trong khu cách ly, bệnh viện, phòng khám truyền nhiễm, khoa cấp cứu; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để hạn chế mức thấp nhất việc người dân hai bên nhập cảnh trái phép...
Tại tỉnh Tiền Giang, Ðoàn công tác do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đề nghị tại các khu cách ly cần bố trí thêm các ca-mê-ra quan sát để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh; xây dựng thêm phương án, kế hoạch hỗ trợ cho các tỉnh bạn khi tình hình dịch diễn ra và phức tạp; có biện pháp chế tài đối với những trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi bắt buộc…
Trong ngày 27-4, nhiều tỉnh, thành phố đã đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của thành phố; chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đi về từ vùng dịch mà không khai báo y tế và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức hội nghị, sự kiện cần có hình thức phù hợp và phải thực hiện nghiêm các biện pháp và nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ người nhập cảnh; điều tra, xác minh xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép… lực lượng công an triển khai rà soát và yêu cầu các trường hợp tạm trú, tạm vắng trên địa bàn sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trở lại thành phố bắt buộc phải khai báo y tế, xử lý nghiêm cá nhân không khai báo hoặc khai báo không trung thực.
Thành ủy Ðà Nẵng yêu cầu rà soát, hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới; trong đó, bảo đảm các nguồn lực về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhu yếu phẩm y tế để luôn chủ động ứng phó với các tình huống liên quan đến dịch bệnh. Trước mắt, tập trung bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các hoạt động trong mùa du lịch hè năm 2021 trên địa bàn thành phố.
UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép... Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm một số nội dung phòng, chống dịch, nhất là thời điểm nghỉ lễ 30- 4 và 1-5 đang cận kề như: Tuân thủ thông điệp 5K, đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng; tiếp tục hạn chế các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Sở Y tế cũng yêu cầu các trung tâm y tế, nhất là tại hai huyện biên giới Buôn Ðôn và Ea Súp, nơi có đường biên giới với nước Cam-pu-chia kích hoạt các điểm cách ly tập trung, sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành và đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24 giờ, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở. Các địa phương có đường biên giới chủ động hợp tác chặt chẽ với các tỉnh của nước bạn Cam-pu-chia để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh qua đường bộ và đường sông...
Ngày 27-4, các tỉnh Quảng Bình, Bến Tre, Hà Nam, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục chuẩn bị và triển khai công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng. Từ ngày 26 đến 29-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh phối hợp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 cho 2.000 cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị đang hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ giúp bảo vệ an toàn sức khỏe người lao động làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mà còn góp phần quan trọng phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho hành khách đi máy bay, nhất là trong dịp lễ 30-4, 1-5 và cao điểm hè. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đã có 259.736 người tại 42 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của các bộ: Công an, Quốc phòng đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt một và hai.
Ngày 27-4, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử phạt hành chính các cá nhân không chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19. Tại các tuyến đường, khu vực, nhiều người dân đã không tuân thủ quy định này, đã được cán bộ nhắc nhở, yêu cầu đeo khẩu trang. Ðối với một số người dân có ý kiến thắc mắc, không hợp tác, cán bộ các cơ quan đã nhắc nhở và ghi biên bản phạt hành chính. Theo Nghị định 117/2020/NÐ-CP, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cụ thể là không đeo khẩu trang nơi công cộng, bị phạt tiền từ một đến ba triệu đồng.
Ngày 27-4, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết vừa phát hành bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng giúp duy trì trạng thái bình thường mới; đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương. Bộ giải pháp là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và các giải pháp công nghệ, biện pháp hành chính của chính quyền. Theo đó, các địa phương tuyên truyền để người dân hiểu ứng dụng truy vết tiếp xúc Bluezone giúp khoanh vùng sớm, chính xác và được thiết kế tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người dùng. Ðồng thời, thực hiện quét mã QR để ghi nhận đến và đi tại các điểm công cộng, điểm có tụ tập đông người. Các đối tượng được đề cập đến trong tài liệu, bao gồm: Hộ gia đình, khu chung cư, trường học, trụ sở làm việc, bến tàu xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh, chợ dân sinh...