Hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt các biện pháp như nâng lãi suất OMO (lãi suất linh hoạt) và lãi suất trúng thầu tín phiếu, tuy nhiên áp lực tỷ giá trong tuần qua vẫn hiện hữu.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa USD/VND là 24.264 VND, tăng 17 đồng so với ngày đầu tuần (ngày 20/5). Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.477 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.050 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.282 - 25.477 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 27 đồng ở chiều mua vào và tăng 18 đồng ở chiều bán ra so với đầu tuần.
Tại Vietcombank niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 25.247 - 25.477 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 18 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ giá đang chịu nhiều áp lực trước hết là do lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.
Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế đã khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm. Từ đó, thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai. Trong khi đó, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai. Qua đó, cân đối cung - cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.
Nói về các biện pháp ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực lên tỷ giá, ông Quang cho biết: Trong bối cảnh thách thức, khó khăn nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ theo sát diễn biến thị trường.
Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng tương đối dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua. Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt.
Theo ông Phạm Chí Quang, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường. Qua đó, phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới.