Hạn chế cảnh rượu bia trong phim
Theo Nghị định 24 /2020/NĐ-CP, Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 24-2-2020, các cảnh quay uống rượu, bia trên điện ảnh, phim truyền hình, sân khấu phải hạn chế. Mặc dù bày tỏ lo lắng sẽ có không ít khó khăn ở giai đoạn đầu áp dụng nhưng hầu hết người trong giới đều đồng thuận.
Nhiều ý kiến cho rằng trên phim và trong tác phẩm sân khấu không nên có những cảnh người dưới 18 tuổi uống rượu, bia trừ trường hợp cần phê phán, lên án hành vi này như quy định ở điều 4, chương II của nghị định này. Tất nhiên cũng đồng thuận cả việc không ca ngợi tổ chức hoặc cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Việc quy định sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia nêu trong nghị định này theo giới chuyên môn không gây khó cho công việc sáng tạo của nghệ sĩ, kể cả việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật ngoài những lý do trên nếu hợp lý sẽ được cơ quan có thẩm quyền duyệt tác phẩm chấp thuận.
Đây là nghị định nhằm góp phần hạn chế những cảnh rượu bia "vô thưởng vô phạt" trên màn ảnh vốn tác động đến tâm lý khán giả, nhất là độ tuổi vị thành niên. Nghị định này cũng sàng lọc, loại trừ những trường hợp nhà làm phim lạm dụng những cảnh này cho phim mình. "Việc của người sáng tạo nghệ thuật là hãy cứ làm đúng luật. Những vấn đề hợp lý hay chưa hợp lý, tùy trường hợp cụ thể, sẽ có cách xử lý riêng của đạo diễn và của nhà quản lý để hoàn thiện" - đạo diễn Bảo Nhân bày tỏ.
Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, hạn chế rượu bia trên màn ảnh không phải vấn đề quá lớn. Phía cơ quan quản lý khi ban hành nghị định cũng phải có lý do và cân nhắc cẩn trọng. Trước đó, khi nghị định xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực mọi người cũng hoang mang nhưng ai cũng phải tuân thủ. Đến nay, mọi người dần quen với việc đo nồng độ cồn và số lượng vụ tai nạn giao thông do say xỉn giảm đáng kể.
"Nhìn theo hướng tích cực thì đây cũng là cơ hội để đạo diễn tăng sáng tạo trong cách thể hiện của mình. Lâu nay, khi khắc họa một nhân vật bạo hành gia đình, sáng say chiều xỉn, đạo diễn thường cho diễn viên cầm theo chai rượu bên cạnh để khán giả thấy. Tuy nhiên, tuân theo nghị định này, đạo diễn có thể thay đổi cách diễn đạt bằng xử lý cho nhân vật đi không vững, chân nọ đá chân kia, mặt đỏ gay biểu hiện say xỉn là đủ. Nghị định chỉ hạn chế hình ảnh uống bia, rượu, không hạn chế tính cách nhân vật nên người say xỉn, giới giang hồ... vẫn được thể hiện thì không thể nói bó buộc sáng tạo được" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền phân tích.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói thêm năm 2018, khi Thông tư quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh ban hành người trong giới cũng bàn tán nhưng vẫn tuân thủ. Phim truyền hình từ đó hạn chế dần cảnh hút thuốc và sự sáng tạo đến nay vẫn ổn. Phim truyền hình được chiếu rộng rãi cho mọi đối tượng xem nên hạn chế thuốc lá, rượu bia cũng là điều cần thiết để không tác động đến khán giả vị thành niên.
"Tôi thấy có nhiều cách để thể hiện tính cách, tâm trạng, bối cảnh nhân vật chứ không phải chỉ có hút thuốc, uống rượu mới là sáng tạo. Đây cũng là một thách thức đối với người làm phim để có những linh hoạt, sáng tạo hơn trong lột tả nhân vật của mình. Chỉ có điều luật phải được tuân thủ không riêng tác phẩm trong nước mà với cả những phim của nước ngoài nhập vào Việt Nam để tạo sự công bằng, đồng bộ" - nhà báo Cát Vũ bày tỏ.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/han-che-canh-ruou-bia-trong-phim-20200301205058533.htm