Hạn chế doanh nghiệp vay nước ngoài khi không được Chính phủ bảo lãnh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp (DN) không được Chính phủ bảo lãnh.
Theo NHNN, Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định điều kiện vay nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh được xây dựng từ năm 2014 đã đặt ra khuôn khổ pháp lý phù hợp với bối cảnh kinh tế các năm qua.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vay nước ngoài của TCTD và DN có xu hướng gia tăng để tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế; nhiều DN phải vay vốn từ công ty mẹ, công ty thành viên để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến nguy cơ không đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trong trung dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.
Để kiểm soát được mức vay nước ngoài tự vay tự trả, đảm bảo hạn mức hàng năm duy trì các ngưỡng nợ an toàn được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN nghiên cứu xây dựng phương án quy định điều kiện vay chặt chẽ đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Dự thảo tập trung xây dựng điều kiện chung và điều kiện riêng cho hai nhóm đối tượng đi vay là TCTD và DN. Trong đó, điều kiện chung gồm: áp dụng trần chi phí vay nước ngoài; yêu cầu bên vay thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ để bảo hiểm rủi ro tỷ giá; yêu cầu bên vay lựa chọn tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo là TCTD, chi nhánh NH nước ngoài hoặc tổ chức là pháp nhân thành lập tại Việt Nam trong trường hợp khoản vay nước ngoài có tài sản đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam (có trường hợp ngoại trừ).
Đồng thời, từng nhóm đối tượng vay (gồm TCTD và DN không phải TCTD) phải đáp ứng các điều kiện riêng tương ứng gồm mục đích vay; giới hạn các mức vay nước ngoài (ngắn và trung hạn) và tỷ lệ đảm bảo an toàn áp dụng với nhóm TCTD.
Đối với DN, dự thảo Thông tư cho biết, hiện vay nước ngoài ngắn, trung dài hạn của khu vực này chiếm khoảng 70-80% tổng dư nợ vay nước ngoài tự vay tự trả của nền kinh tế. Với mục tiêu phát triển sản xuất toàn diện, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao theo định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, xu hướng DN tăng vay vốn nước ngoài không tránh khỏi, tạo áp lực lớn đến các chỉ tiêu vay trả nợ nước ngoài của Chính phủ phê duyệt hàng năm (dư nợ vay nước ngoài ngắn, trung dài hạn có xu hướng tiệm cận các mức được phê duyệt).
Do đó, dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay ngắn và trung dài hạn nước ngoài tập trung vào mục tiêu hỗ trợ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, vừa làm tăng dư nợ vay nước ngoài, vừa làm ảnh hưởng đến dư địa vay của DN phục vụ sản xuất kinh doanh thực trong nền kinh tế.