Hạn chế hình ảnh, hoạt động nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực: Liệu có khả thi?
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc lập danh sách và hạn chế hoạt động của nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức không chỉ nhằm đảm bảo uy tín và chất lượng của ngành nghệ thuật mà còn nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cho các hành vi của nghệ sĩ.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lập danh sách nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) dựa trên danh sách này sẽ phối hợp các đơn vị để hạn chế hình ảnh, hoạt động của nghệ sĩ.
Song song với việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm, hiện Bộ VHTTDL cũng đang xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có quy định nội dung các quảng cáo phải trung thực, chính xác.
Đây được xem là biện pháp “trừng phạt” mạnh tay với các nghệ sĩ ngang nhiên vi phạm chuẩn mực trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, từ sau vụ việc người mẫu Ngọc Trinh ngang nhiên vi phạm pháp luật, “làm trò câu view” đăng tải lên mạng xã hội. Trước đó, diễn viên Cát Tường xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo "sữa có tác dụng trị tiểu đường" sai sự thật, khiến dư luận bức xúc.
Nêu ý kiến về việc lập danh sách và hạn chế hoạt động của nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, NSƯT Hạnh Thúy khẳng định, việc lập danh sách hạn chế là điều cần thiết.
“Tôi nghĩ rằng, việc lập danh sách hạn chế hoạt động của nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực cũng sẽ giống với bộ quy tắc ứng xử trước đó đã ban hành. Tôi tin rằng chính sách mới là hành lang để người nghệ sĩ tự răn mình, nâng cao ý thức của mình với xã hội”, nữ nghệ sĩ nói.
Với việc lập “danh sách đen” các nghệ sĩ vi phạm, công chúng sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá vai trò xã hội của người nghệ sĩ. Có như vậy thì tình trạng "thương mại hóa hình ảnh nghệ sĩ" mới được kiểm soát, chấm dứt tình trạng "trục lợi trên niềm tin của công chúng" như những gì đã diễn ra suốt thời gian qua. Chính sách mới sẽ giúp nghệ sĩ ý thức và cẩn trọng trong phát ngôn, trong hành xử của chính mình. Từ đó, giúp xã hội giảm thiểu rủi ro, nâng cao an ninh đời sống.
Khi được hỏi, liệu rằng chị có lo sợ việc lập danh sách đen sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ hay không? NSƯT Hạnh Thúy bày tỏ: “Tôi tin là các chính sách sẽ không hạn chế sáng tạo bởi nghệ sĩ phải đảm bảo tiêu chí của nghệ thuật và tôi tin rằng, không có nhà nước nào đào thải nghệ sĩ có bản sắc riêng.
Hơn nữa, trên phương diện sáng tạo, các chính sách về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ cũng phải dựa trên quy tắc của xã hội (quy định, luật pháp, đạo đức, chuẩn mực xã hội...).
Trước đây, chưa có quy định cụ thể về xử lý những trường hợp vi phạm, nên nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng có thái độ chủ quan, coi thường việc nâng cao nhận thức. Do vậy, theo các chuyên gia đây có thể xem là thời điểm bản lề cho những thay đổi rõ hơn về ý thức và nhận thức của nghệ sĩ.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, nếu nghệ sĩ vi phạm vẫn tiếp tục hoạt động thì việc Bộ VHTTDL phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông... để sử dụng chế tài nghiêm khắc hơn như cấm biểu diễn, rút giấy phép hoạt động hoặc xem xét các biện pháp pháp lý nếu cần thiết.
“Việc lập danh sách và hạn chế hoạt động của nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức không chỉ nhằm đảm bảo uy tín và chất lượng của ngành nghệ thuật, mà còn nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cho các hành vi của nghệ sĩ. Bằng việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc, Bộ VHTTDL sẽ nâng cao chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực nghệ thuật và tạo ra một môi trường lành mạnh cho các nghệ sĩ và công chúng.
Trên cơ sở này, chúng ta sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi vi phạm và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn nữa cho ngành nghệ thuật nước nhà”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Việc siết chặt các biện pháp pháp lý có thể có ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của nghệ sĩ. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể giúp làm trong lành môi trường văn hóa, phát triển nghệ thuật hướng chân - thiện - mỹ, bảo vệ giá trị đạo đức cho xã hội nên vô cùng quan trọng. Dù vậy, chúng ta vẫn luôn nên cân nhắc kỹ càng trong từng hành động quản lý để vừa bảo vệ đạo đức xã hội, vừa tôn trọng quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn nữa tài năng của mình cho sự phát triển nghệ thuật, cũng như kinh tế - xã hội của đất nước”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL đã ban hành quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, trong đó có các nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, công tác xã hội, hoạt động ứng xử với đồng nghiệp. Nghệ sĩ có sức ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội nên bên cạnh xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, nghệ sĩ vi phạm về quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý theo tiêu chí của Bộ Quy tắc ứng xử nói trên.
Theo ông Sơn, quy trình này cùng với các quy định pháp luật, xử phạt hành chính liên quan tới lĩnh vực của ngành, một lần nữa sẽ tạo ra ý thức trách nhiệm của chủ thể tham gia, nhất là những nghệ sĩ có tác động lớn đến xã hội. Từ đó, họ ý thức được hành vi, sứ mệnh của mình khi thực hiện các hoạt động, nhất là những hoạt động có liên quan đến quảng cáo, phát ngôn trên các phương tiện, đặc biệt là trên mạng xã hội.