Hạn chế khí phát thải đúng cách
Hiện, Hà Nội và TPHCM đang xây dựng phương án hạn chế, tiến tới cấm xe máy chạy nhiên liệu hóa thạch để giảm khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Song, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc một cách thấu đáo, cẩn trọng trước khi đưa ra quy định 'cứng', tránh để 'lợi bất cập hại'.
Không chỉ có người dân Hà Nội và TPHCM, mà hầu hết mọi người đều ủng hộ chủ trương hạn chế khí phát thải gây ô nhiễm môi trường sống. Song, không ít ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường cần xác định đúng, đủ các tác nhân gây ra khí phát thải, từ đó mới có thể đưa ra được các phương án tối ưu giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là bầu không khí tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM.
Theo cách mà chính quyền Hà Nội và TPHCM đang làm, tức là xây dựng lộ trình hạn chế, tiến tới cấm xe máy xăng chuyển sang xe máy điện, có nghĩa các địa phương đã xác định phương tiện này là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm bầu không khí. Dĩ nhiên, việc hàng trăm nghìn xe máy hoạt động tại mỗi đô thị tạo ra không ít khí phát thải gây hại cho môi trường là điều không thể phủ nhận. Song, điều đó không có nghĩa xe máy chạy xăng là nguyên nhân duy nhất dẫn đến ô nhiễm không khí và môi trường sống.
Nếu nói đến động cơ chạy nguyên liệu hóa thạch, đâu chỉ có xe máy mà còn các loại ô tô, xe máy chuyên dụng... vẫn đang ngày đêm xả khí phát thải vào bầu không khí. Đó là còn chưa kể hàng trăm nhà máy, cơ sở sản xuất, làng nghề... cũng đang “góp phần” không nhỏ trong việc tạo ra khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài các cột khói bốc lên từ các nhà máy, xí nghiệp mang theo không ít khí phát thải, còn có các loại bụi từ lớn đến nhỏ, thậm chí là bụi mịn mà mắt thường không trông thấy được đang đầu độc môi trường.
Nếu ai đã từng có dịp tới các làng nghề thủ công chế tác gỗ, đá, sản xuất bún, hay làng nghề tái chế nhựa... thì hẳn sẽ biết những làng nghề này hàng ngày cũng thải ra không ít chất độc hại gây ô nhiễm môi trường sống. Có bao nhiêu nhà máy, cơ sở sản xuất trong đô thị mà theo quy hoạch cách đây hàng chục năm lẽ ra đã phải di dời ra xa khu đông dân cư, nhưng đến nay vẫn còn đó. Chính Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại mới đây cũng phải “than khó” trong việc di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô để bảo vệ môi trường.
Tạm chưa bàn đến nguyên nhân gây ra ô nhiễm bầu không khí do rất nhiều tác nhân chứ không chỉ riêng xe máy chạy xăng như nhiều người mặc định. Và cứ cho là hàng trăm nghìn xe máy chạy xăng là nguyên nhân chính tạo ra khí phát thải gây ô nhiễm bầu không khí, thì cũng cần phải cân nhắc hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi “khai tử”nó. Đơn cử, nếu hạn chế xe máy xăng vào bất cứ khu vực nào, chính quyền địa phương cần đảm bảo rằng người dân vẫn có thể di chuyển thuận tiện bằng các phương tiện khác thay thế, chẳng hạn như vận tải hành khách công cộng.
Nếu phương tiện công cộng chưa thuận lợi, đầy đủ, việc hạn chế, thậm chí cấm xe máy xăng sẽ gây khó cho người dân, bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện. Hơn nữa, nếu cấm xe máy xăng mà ô tô chạy nguyên liệu hóa thạch vẫn được vào thì liệu có đảm bảo không có khí phát thải gây ô nhiễm không khí? Chưa kể, hiện lượng lớn hàng hóa lưu thông trên địa bàn các đô thị đều phụ thuộc vào phương tiện xe máy, nếu vận tải hành khách công cộng không đáp ứng được thì sẽ tạo áp lực không nhỏ lên chuỗi logistics, cản trở phát trỉen kinh tế - xã hội.
Nói như vậy không có nghĩa “bàn lùi” trong việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn khí phát thải tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Song, dư luận cho rằng ngay cả khi xem máy xăng “có tội”, thì cũng cần được “xử” một cách khoa học. Cần cho xe máy xăng có cơ hội “minh oan”, tức là thực hiện việc kiểm định khí thải định kỳ như ô tô. Sau khi kiểm tra, nếu như phương tiện nào đảm bảo lượng khí thải đạt chuẩn thì tiếp tục được lưu hành, chứ không thể “cấm tiệt”, tránh gây ra lãng phí cho cả người dân và Nhà nước. Song, cũng cần có quy định chặt chẽ để việc kiểm định khí thải xe máy không trở thành tiền đề xin - cho, nhũng nhiễu người dân. Hạn chế khí phát thải đúng cách mới là căn cơ vững chắc bảo vệ môi trường!
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/han-che-khi-phat-thai-dung-cach-10311221.html