Hạn chế nhận BHXH một lần, vì tương lai người lao động
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ra nhiều khó khăn cho người lao động, đặc biệt số người lao động mất việc làm và nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Đặng Thị Thúy, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tâm sự, hơn 8 năm qua chị làm việc tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) nhưng vừa rồi do dịch bệnh kéo dài, có thời gian chị phải nghỉ làm, công ty cũng cắt giảm nhân sự nên chị quyết định xin nghỉ việc về quê. Thu nhập không ổn định lại đang nuôi hai con nhỏ, khó khăn chồng chất nên chị đã làm hồ sơ xin hưởng BHXH một lần. Mặc dù biết việc duy trì tham gia BHXH sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tương lai nhưng vì thu nhập bấp bênh lại đang cần tiền, chị vẫn quyết định làm hồ sơ thanh toán.
Theo BHXH tỉnh, chính sách BHXH, BHYT có vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh, giúp mọi người có cuộc sống ổn định lâu dài. Đặc biệt khi về già, khả năng lao động, sản xuất không còn, người lao động tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng lương hưu, hưởng BHYT để chăm sóc sức khỏe. Việc người lao động hưởng BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi. Khi về già, họ sẽ không được hưởng hưu trí, phải phụ thuộc vào con cháu và xã hội. Bên cạnh đó, nếu ốm đau, bệnh tật, không có thẻ BHYT, họ sẽ phải chi trả nhiều chi phí khám chữa bệnh, đối mặt với nguy cơ kiệt quệ, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tình trạng người nhận BHXH một lần gia tăng còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội toàn dân khi tỷ lệ bao phủ BHXH cả nước tăng chậm.
Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, tình trạng người lao động nhận BHXH có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 có 4.339 người, năm 2020 có 4.867 người. Từ đầu năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh giải quyết cho gần 5.000 người thanh toán BHXH một lần. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng như người lao động trẻ chưa có thói quen tích lũy; do dịch bệnh Covid-19 tác động gây mất việc làm hoặc tạm dừng làm việc…
Sau 5 năm xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, chị Phan Thùy Dương, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) trở về địa phương. Mặc dù chưa tìm được việc làm ổn định nhưng chị vẫn quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Chị Dương tâm sự, đối với người lao động tự do như chị việc duy trì đóng BHXH thực sự là “của để dành” cho tương lai. Đặc biệt những lúc không may ốm đau, bệnh tật chị sẽ được hưởng chế độ an sinh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Theo chị, thói quen tích lũy, dự phòng cho tương lai cần được mỗi người trẻ tuổi duy trì để đảm bảo cuộc sống.
Nhằm giảm tình trạng người lao động nhận BHXH một lần, thời gian qua ngành BHXH đã tăng cường tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa nhân văn của việc duy trì tham gia BHXH. Với nhiều tính ưu việt như mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo mức giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế; được hưởng BHYT miễn phí; được trợ cấp tuất khi không may qua đời… BHXH thực sự là chính sách nhân văn nhằm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho mỗi người.