Hạn chế nhiệt điện
Xu thế phát triển thế giới đang tập trung phát triển điện mặt trời, điện gió cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác. Việc phát triển các nguồn nhiệt điện than không còn là giải pháp cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho nhiều quốc gia. Lý do là bởi những tác động tiêu cực của các dự án nhiệt điện than đối với môi trường đã và đang trở thành những ám ảnh đối với xã hội.
Theo các chuyên gia, con số thống kê cho biết, những người dân sinh sống ở các địa phương có sự tồn tại của các dự án nhiệt điện than như Tuy Phong, Vĩnh Tân... có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến môi trường cao gấp nhiều lần so với người dân ở các vùng khác.
Từ năm 2018 đến nay, người dân khắp nơi trên cả nước chứng kiến sự ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề. Nguyên nhân một phần bởi tác động của các nhà máy nhiệt điện than.
Thực trạng này đặt ra vấn đề: Nếu tiếp tục lựa chọn than để phát triển phục vụ an ninh năng lượng, câu hỏi đặt ra là có phù hợp không? Không chỉ vì vấn đề môi trường mà còn vì vấn đề an sinh xã hội ở những vùng khai thác khi người dân phải đối diện với những bất cập về môi trường một cách nặng nề.
Trong Quy hoạch VIII đang được cơ quan xây dựng dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, nhiều ý kiến cho rằng, Bản sơ đồ Quy hoạch này đã hạn chế sự phát triển của các dự án nhiệt điện than.
Lần đầu tiên trong lịch sử, than không còn là trụ cột của phát triển năng lượng nước nhà nữa, thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, trong thư đóng góp ý kiến 3 Liên minh năng lượng bao gồm Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) được gửi đi mới đây, các chuyên gia khẳng định, bản dự thảo quy hoạch 8 vẫn đang luẩn quẩn với việc tiếp tục các dự án nhiệt điện than cũ, nhưng lại đưa ra ý tưởng phát triển thêm dự án mới, rồi tính đến cả việc nhập khẩu thêm hàng triệu tấn than. Tại sao chúng ta vẫn còn tư duy nhập khẩu than để phát triển nhiệt điện trong khi nguồn năng lượng tái tạo của chúng ta đang có là rất dồi dào như điện gió, mặt trời, còn chưa nói đến khí.
Sau khi nghiên cứu và phân tích bản dự thảo Quy hoạch điện 8, 3 Liên minh kiến nghị Bộ Công thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió. Chỉ có chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bài toán về thiếu điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mới được giải quyết một cách căn cơ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/han-che-nhiet-dien-555156.html