Hạn chế những cái chết đau lòng

90% bệnh nhân COVID nặng, nguy kịch chưa tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi vắc xin. Trong ảnh: Nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly điều trị COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chăm sóc một bệnh nhân nguy kịch, đang thở máy xâm lấn. Ảnh: YÊN LAN

Sau Tết Nguyên đán, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, số ca COVID-19 nặng, nguy kịch và số ca tử vong tăng đáng kể. Tất cả các trường hợp tử vong đều thuộc nhóm có nguy cơ cao và phần lớn là chưa tiêm vắc xin.

Khi không có vắc xin bảo vệ

Từ ngày 7-19/2, Phú Yên ghi nhận hơn 4.300 ca nhiễm SARS-CoV-2; số ca nặng, nguy kịch lẫn số ca viêm phổi nặng tăng gấp đôi, gấp ba. Chưa đầy 2 tuần, Phú Yên có 14 ca tử vong do/liên quan đến COVID-19.

Trong 14 trường hợp tử vong có 10 trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, hầu hết đều cao tuổi, mắc các bệnh nền: Đái tháo đường, tim mạch, suy thận mạn, tăng huyết áp, ung thư... 2 trường hợp đã được tiêm 1 mũi vắc xin (một bệnh nhân 90 tuổi, có bệnh nền đái tháo đường; một bệnh nhân 87 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp - đái tháo đường - Cushing) và 2 trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin (một bệnh nhân 85 tuổi, có bệnh nền hen phế quản; một bệnh nhân 59 tuổi, bị ung thư gan).

Đặc biệt, một bệnh nhân mới 31 tuổi, chưa tiêm vắc xin, dù được tận tình cứu chữa nhưng đã tử vong do biến chứng của COVID-19. Đó là bệnh nhân 2425625, trú xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân. Bệnh nhân mang thai 31 tuần, được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên với tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp do SARS-CoV-2. Bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vào ngày 11/2. COVID-19 biến chứng khiến bệnh nhân nguy kịch.

Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách chuyên môn khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nói: Chúng tôi đã tính đến phương án chuyển bệnh nhân lên tuyến cuối và đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng không thể chuyển viện. Các thiết bị hỗ trợ hô hấp trên xe cứu thương không thể hỗ trợ được ca này. Với tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhân sẽ tử vong trên đường chuyển viện.

Nỗ lực cứu thai phụ, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã hội chẩn, quyết định mổ lấy thai nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật cấp cứu được tiến hành vào chiều 13/2. Sau mổ, COVID-19 tiếp tục diễn tiến nặng, bệnh nhân bị suy đa tạng và tử vong lúc 14 giờ 45 ngày 17/2.

BSCKII Châu Khắc Toàn cho biết: Tính đến ngày 19/2, tại khu cách ly điều trị COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có 163 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong đó, 146 bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi vắc xin (tỉ lệ 90%). Có 71 ca tử vong, trong đó 65 bệnh nhân chưa tiêm hoặc chỉ tiêm 1 mũi vắc xin (tỉ lệ: 91,5%).

Ứng phó với tình hình dịch bệnh

Theo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến tối 19/2, Phú Yên đã phát hiện 15.110 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư, trong đó có hơn 9.800 ca khỏi bệnh, 78 ca tử vong do/liên quan đến COVID-19. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.200 bệnh nhân đang cách ly, điều trị, gồm 7 ca nặng, nguy kịch, 27 ca viêm phổi nặng, 5.185 ca có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Để ứng phó với tình hình dịch COVID-19, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh - đã có công văn hỏa tốc đề nghị các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 tại đơn vị đảm bảo thích ứng an toàn, phù hợp với tình hình hiện nay; chủ động tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho công chức, viên chức, người lao động có biểu hiện nghi ngờ nhằm phát hiện sớm F0, cách ly điều trị để không chuyển nặng, hạn chế lây lan dịch; cân nhắc các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tập trung triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó chú trọng 5K; hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch có thể xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo và huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đồng thời mở rộng địa bàn thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả…

Cốt lõi trong điều trị COVID-19

Theo BSCKII Châu Khắc Toàn, vấn đề quan trọng trong điều trị COVID-19 là làm sao để các F0 không chuyển nặng, hạn chế tử vong. Muốn vậy, người dân cần phải tiêm vắc xin sớm và đầy đủ. Vắc xin giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong nếu chẳng may nhiễm SARS-CoV-2. Đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai..., việc tiêm vắc xin đầy đủ càng có ý nghĩa quan trọng (chỉ trì hoãn tiêm vắc xin đối với phụ nữ mang thai dưới 13 tuần và người đang mắc bệnh cấp tính).

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, người dân phải báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm bằng thuốc kháng virus. “Đối với các trường hợp đủ điều kiện cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, để phát hiện sớm bệnh diễn tiến nặng, cần trang bị máy đo SpO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu) kẹp ngón. Máy này tương đối rẻ, dễ sử dụng. Đo SpO2 ít nhất 2 lần/ngày. Gọi điện thoại báo cho trạm y tế địa phương nếu SpO2 ≤ 95% hoặc nếu thấy khó thở, thở hụt hơi, đau tức ngực thường xuyên, đau tăng khi hít sâu hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, bú kém, ăn kém, nôn hoặc bất kỳ tình trạng nào mà bạn cảm thấy không ổn, lo lắng”, BSCKII Châu Khắc Toàn lưu ý.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/271123/han-che-nhung-cai-chet-dau-long.html