Hạn chế quảng cáo trên phương tiện giao thông công cộng: Thấy sai thì nên sửa
ANTĐ - Chính phủ vừa chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện quảng cáo trên các phương tiện GTVT công cộng nhằm tăng thu để hỗ trợ, phát triển mạng lưới phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt. Đây là chủ trương đúng, song nhiều năm qua, ở TP.HCM, 'dịch vụ' nhiều lợi nhuận này vẫn bị hạn chế trên thực tế.
Trong khi xe buýt TP.HCM không được quảng cáo thì các xe buýt liên tỉnh
chạy vào trung tâm lại rất vất vả tìm “nguồn thu” để có thể nuôi sống mình
Quyết định bất hợp lý
Pháp lệnh Quảng cáo (số 39/2001/PL-UBTVQH10) quy định: Phương tiện giao thông, vật thể di động khác là phương tiện quảng cáo. Tuy nhiên, tháng 6-2009, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 39 quy định các vị trí, địa điểm, khu vực cấm hoạt động quảng cáo, bao gồm: nơi dành riêng cho việc cổ động chính trị; trên các mặt ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải… Với quy định này, việc quảng cáo trên các loại xe chở hàng của doanh nghiệp, xe vận tải hành khách, taxi, xe buýt là không được phép. Sau khi nhiều nhà quản lý và các doanh nghiệp vận tải phản ứng quyết liệt, TP.HCM lại có Quyết định 16, yêu cầu việc quảng cáo bên trong lẫn bên ngoài xe buýt phải thực hiện đúng quy định hiện hành, khiến người dân không biết đâu mà lần.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng cho biết: Thực tế, rất nhiều phương tiện tư nhân cũng như các doanh nghiệp vận tải tự ý quảng cáo trên phương tiện của mình, nhiều hình thức quảng cáo làm hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, hoặc dùng các loại phương tiện giao thông chở người, mô hình sản phẩm, biển, bảng diễu hành trên đường phố như “mãi võ”, dùng cả hình ảnh sản phẩm minh họa quảng cáo quần áo lót, băng vệ sinh, bao cao su... nội dung không thể kiểm soát gây phản cảm, thiếu thẩm mỹ, trong khi những hành vi này nếu xử lý hành chính, không có tác dụng. Đây là lý do UBND thành phố kiến nghị hạn chế quảng cáo trên các mặt ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải.
Tháng 11-2011, khi Bộ VH-TT&DL cho rằng TP.HCM ban hành quy định cấm quảng cáo trên xe buýt chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động quảng cáo... thì không lâu sau, UBND thành phố mới chịu cho phép xe buýt được quảng cáo nhưng vẫn tìm cách chần chừ thực hiện, phải nghiên cứu thêm vì “vướng một số quy định khác”. Sau đó, UBND thành phố chấp thuận giao cho Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thực hiện đề án xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt, nhưng mới triển khai đã lại xảy tranh cãi.
Lãng phí một nguồn thu
Hạn chế một nguồn thu lớn có thể giúp thành phố thu khoảng 160 tỷ đồng/năm, đầu tư, phát triển hệ thống xe buýt vốn đang rất lạc hậu và xuống cấp… theo ông Lê Như Ái - Giám đốc Công ty nước uống tinh khiết Sài Gòn Sapuwa, TP.HCM đang tự lấy dây buộc… chân mình. Pháp luật không cấm chủ sở hữa chiếc xe vẽ logo, tên công ty, số điện thoại trên các phương tiện của mình. Song nhiều năm nay, dù TP.HCM khẳng định không cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông nhưng lại buộc doanh nghiệp phải xin phép, duyệt nội dung và khống chế thời hạn giấy phép chỉ 1 năm phải gia hạn. Bên cạnh đó, đề án do Công ty Tầm nhìn - đơn vị tư vấn cho UBND thành phố thực hiện quảng cáo trên xe buýt, màu sắc nhận diện được triển khai tốt, đã phân màu cho từng loại tuyến, xe chạy ở khu vực trung tâm, ngoại vi hoặc xe chạy hướng xuyên tâm.
Tuy nhiên việc thực hiện lại đang rất lúng túng, bất cập. Trong hợp đồng dịch vụ thực hiện quảng cáo giữa Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng với các doanh nghiệp có nhu cầu, trung tâm sẽ thực hiện mọi thủ tục xin phép và chịu các chi phí liên quan đến quảng cáo; được thực hiện, khai thác các chương trình quảng cáo; được yêu cầu doanh nghiệp có xe buýt cung cấp xe hoặc ngưng quảng cáo để cổ động chính trị… Với nội dung trên, trung tâm này mặc nhiên được thành phố cho phép quản lý số lượng, chủng loại xe tham gia cổ động chính trị, cũng được phép thực hiện môi giới quảng cáo. Như vậy trung tâm sẽ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, cho ai quảng cáo, quảng cáo trên phương tiện nào, tuyến xe nào là quyền của đơn vị này, rất dễ gây tác dụng phụ khi ranh giới giữa nội dung cổ động chính trị và quảng cáo thương mại trên mặt ngoài xe buýt không được nghiên cứu nghiêm túc. Chưa kể việc trung tâm làm thay cả việc của Nhà nước, “ép” xe các tuyến phải quảng cáo và trở thành đơn vị đi làm… kinh tế.