Hạn chế rác thải nhựa và túi ny-lông dùng một lần

Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối của nhiều tỉnh, thành, bởi khối lượng phát sinh hằng ngày lớn, chi phí xử lý tốn kém và thói quen không phân loại rác của người dân. Để hạn chế rác thải nhựa phát sinh ra môi trường, giảm thiểu nhập khẩu phế liệu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Rác thải nhựa được phân loại, tái chế tại nhà máy xử lý rác ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất)

Rác thải nhựa được phân loại, tái chế tại nhà máy xử lý rác ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất)

Đồng Nai đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường thu gom; tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

* Tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa

Báo cáo mới nhất của Sở TN-MT cho thấy, trung bình mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 14 tấn chất thải y tế, trên 1,1 ngàn tấn chất thải công nghiệp, 452 tấn chất thải nguy hại và hơn 1,8 ngàn tấn rác thải rắn sinh hoạt. Phần lớn các loại chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, y tế được thu gom, xử lý hợp vệ sinh hoặc tái chế. Tuy nhiên, một lượng lớn chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp (vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật) và sinh hoạt (túi ny-lông, hộp xốp dùng một lần) chưa được tái chế, tái sử dụng, gây lãng phí nguồn nguyên liệu, tốn diện tích chôn lấp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã ban hành 3 kế hoạch và phát động phong trào Chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn tỉnh nhằm hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Ngoài ra, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị và đưa chỉ tiêu thu gom, xử lý các loại chất thải vào nghị quyết để thực hiện. So với các tỉnh công nghiệp khác, Đồng Nai đang kiểm soát tốt các nguồn chất thải, trong đó có rác thải nhựa, hiện tỷ lệ chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt (chất thải trơ từ đốt rác) còn khoảng 29%.

Đại diện Sở Công thương cho biết, hưởng ứng chương trình Sản xuất sạch, tiêu dùng xanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thu gom, tái chế chất thải nhựa. Các cửa hàng, siêu thị cũng chuyển sang sử dụng sản phẩm nhựa, túi ny-lông dễ phân hủy hoặc túi sử dụng nhiều lần.

Cũng theo Sở Công thương, khó khăn trong cuộc chiến với rác thải nhựa và túi
ny-lông là tâm lý và thói quen tiêu dùng tiện lợi của người dân chưa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt ở các chợ truyền thống; chưa có cơ chế chính sách ưu tiên cụ thể cho các doanh nghiệp thu gom, tái sử dụng chất thải nhựa hoặc dùng chất thải nhựa làm nguyên liệu sản xuất; chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng chuyển đổi từ túi
ny-lông khó phân hủy sử dụng một lần sang túi ny-lông dễ phân hủy, thân thiện với môi trường.

Ông Trần Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi cho rằng, để khuyến khích thu gom, tái chế rác thải nhựa, giảm nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cần siết chặt hoạt động thu mua phế liệu. Việc thu mua phế liệu và xử lý không đúng quy trình gây lãng phí nguồn tài nguyên và nguy cơ cao ô nhiễm môi trường, cháy nổ.

* Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần

Mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản số 11083/UBND-KTN, trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, túi ny-lông sử dụng một lần.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã chuyển sang sử dụng túi ny-lông dễ phân hủy hoặc túi vải. Một số cửa hàng thu phí tiền sử dụng túi ny-lông đối với khách hàng để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa, tuy nhiên, việc này chưa nhiều và cũng không dễ thực hiện.

Đại diện chi nhánh một cửa hàng của Nhật Bản trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho biết, từ năm 2019 hệ thống chuỗi cửa hàng này trên toàn quốc đã không phát túi ny-lông cho khách hàng, thay vào đó, khách phải tự mang túi đến đựng hàng hoặc phải trả chi phí từ 1-3 ngàn đồng/túi ny-lông tùy kích cỡ. Giai đoạn đầu, nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng, nhưng khi được tuyên truyền, giải thích, đa phần đồng tình và ủng hộ. Hiện các khách hàng thường mang theo túi vải hoặc túi sử dụng nhiều lần cho đỡ tốn tiền.

Bà Bùi Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội và văn bản của UBND tỉnh, Hội LHPN đã phát động phong trào Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại 6 địa phương cấp huyện với hơn 600 chị em tham gia. Hiện 100% cán bộ chuyên trách các cấp đã cam kết sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, không sử dụng bao bì nhựa và túi ny-lông dùng một lần. Các sự kiện của cơ quan không dùng sản phẩm nhựa một lần.

Hiện nay, các sở, ban, ngành, địa phương đều đã vào cuộc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và hạn chế chất thải nhựa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả giảm thiểu chất thải nhựa cần có thời gian. Bên cạnh nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tiêu dùng, cần đánh vào trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Một vấn đề nữa là có công cụ hỗ trợ cho sản phẩm thay thế túi ny-lông và sản phẩm nhựa một lần.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202011/han-che-rac-thai-nhua-va-tui-ny-long-dung-mot-lan-3030466/