Phân bón hữu cơ đô thị - Sáng kiến hành động vì khí hậu của Singapore

Sáng kiến khuyến khích người dân và doanh nghiệp biến rác thải thực phẩm thành phân bón hữu cơ đang được Singapore thúc đẩy nhằm giải quyết những thách thức kép về quản lý chất thải thực phẩm và biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng vì tại đảo quốc sư tử, mỗi ngày có tới 2 triệu kg thực phẩm bị lãng phí, trong khi bãi rác duy nhất của đất nước Semakau lại sắp lấp đầy.

Nguồn: thesmartlocal.com

Nguồn: thesmartlocal.com

Giải pháp khả thi

Trên toàn cầu, 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất bị mất hoặc lãng phí, đóng góp 8-10% lượng phát thải khí nhà kính. Ở Đông Nam Á, hơn 50% chất thải là rác thực phẩm, chủ yếu được xử lý thông qua các bãi chôn lấp. Đối với những quốc gia có diện tích nhỏ mà lại đông đúc dân cư như Singapore, vấn đề này đặc biệt cấp bách. Mặc dù phải nhập khẩu 90% lượng thực phẩm, nhưng gần 6 triệu cư dân của đảo quốc sư tử vẫn lãng phí khoảng 2 triệu kg thực phẩm mỗi ngày. Năm 2022, chỉ 18% rác thải thực phẩm được tái chế, phần lớn còn lại được đốt. Chất thải không thể đốt được sẽ đưa vào bãi chôn lấp Semakau, mặc dù có quy mô rộng lớn nhưng đã lấp đầy hơn một nửa và dự kiến sẽ hết công suất vào năm 2035.

Do đó, sáng kiến ủ phân hữu cơ đô thị từ rác thải thực phẩm là giải pháp khả thi cho những áp lực trên, đồng thời giúp hỗ trợ các hành động về khí hậu với giá cả phải chăng. Việc ủ phân sẽ làm giàu đất bằng cách bổ sung các vi khuẩn và chất hữu cơ thiết yếu, rất quan trọng cho những vụ thu hoạch bội thu và củng cố các mục tiêu an ninh lương thực của Singapore. Thứ “vàng đen” này giúp tăng cường khả năng lưu trữ carbon của đất lẫn thực vật, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phong trào ủ phân hữu cơ diễn ra ở nhiều nơi

Phong trào ủ phân hữu cơ ở cấp cơ sở đang nổi lên khắp Singapore, từ công viên, vườn tược đến hành lang và ban công trong các ngôi nhà. Người dân Singapore có xu hướng ủ phân hữu cơ vì nhiều lý do, bao gồm hoài niệm về phương pháp canh tác, ý thức về môi trường và mong muốn kết nối lại với thiên nhiên. Người dân cao tuổi nhớ lại việc ủ phân ở môi trường nông thôn trước khi đô thị hóa, trong khi những công dân có ý thức sinh thái coi đây là cách giúp chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu và thúc đẩy bền vững.

Phong trào còn lan rộng đến các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng và công viên quốc gia. Foodscape Collective, một mạng lưới gồm các cá nhân và doanh nghiệp quan tâm đến việc tạo ra hệ thống thực phẩm tái tạo công bằng và toàn diện, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các sáng kiến như Vườn tự nhiên Boon Lay và Dự án "Vàng đen". Những nỗ lực này, cùng với các dự án giáo dục từ các tổ chức như Food Citizen và Living Soil Asia, đã khuyến khích hoạt động ủ phân hữu cơ đô thị phát triển.

Khoảng 24 nhóm hoạt động độc lập ở Singapore sử dụng các phương pháp ủ phân hữu cơ bằng nhiệt hiếu khí, kết hợp phế liệu thực vật, bã cà phê, vỏ trái cây và lòng cá được thu thập từ gia đình, chợ và các nhà bán lẻ thực phẩm. Phân trộn sau khi hoàn thành sẽ được phân phối cho người làm vườn hoặc được sử dụng để hồi sinh chính không gian xanh nơi nó được sản xuất.

Phù hợp với các mục tiêu quốc gia

Những nỗ lực làm phân bón hữu cơ từ thực phẩm thừa của Singapore phù hợp với Kế hoạch tổng thể không rác thải quốc gia, được triển khai vào năm 2024, trong đó các trung tâm thương mại, khách sạn và tòa nhà văn phòng được yêu cầu phải tách biệt và xử lý thực phẩm tại chỗ. Các sáng kiến hợp tác giữa những người làm phân bón trong cộng đồng và các doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này. Ví dụ, các đầu bếp tại Khách sạn Sheraton Towers làm phân trộn hữu cơ trong khu vườn sau nhà bếp của nhà hàng và lưu trữ thức ăn thừa cho những người làm phân bón trong cộng đồng.

Tuy nhiên, phong trào "xanh" này của Singapore vẫn phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn. Một cuộc khảo sát năm 2019 của Cơ quan Môi trường quốc gia đã nêu bật những lỗ hổng trong hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhiều người vẫn cần phải cải thiện thói quen mua sắm, nấu nướng, ăn uống và phục vụ ăn uống theo hướng bền vững hơn. Hầu hết các chung cư, nơi có hơn 95% cư dân sinh sống, đều chỉ có thùng đựng rác đơn, cản trở việc phân loại rác hiệu quả. Sự ô nhiễm trong các thùng tái chế công cộng càng làm suy yếu các nỗ lực tái chế, với khoảng 40% rác thải ở đây không thể sử dụng được do xử lý chất lỏng và thực phẩm không đúng cách...

Ngọc Minh (Theo EAF)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/phan-bon-huu-co-do-thi-sang-kien-hanh-dong-vi-khi-hau-cua-singapore-i380317/