Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần: Không dễ tìm lời giải

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu ngoài khu vực nhà nước.

Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: X.C.

Người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: X.C.

Tăng hơn 3% so với cùng kỳ

Ông Đào Duy Hiện - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay, số người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%.

Về độ tuổi, rút BHXH một lần nhiều nhất là ở nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 40 tuổi (chiếm 78%). Do NLĐ khi trẻ tuổi cho rằng, nhu cầu trước mắt quan trọng hơn hưởng lương hưu khi về già, mặt khác do áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...). Đa số NLĐ ngừng đóng BHXH sau một năm (chiếm khoảng 98%). Khi phải cân nhắc giữa cơ hội hưởng lương hưu khi về già, chủ động về kinh tế và hưởng quyền lợi BHYT trọn đời, nhiều NLĐ vẫn quyết định hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu trước mắt.

Theo đại diện BHXH, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng NLĐ rút BHXH một lần tăng là do tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động dẫn đến nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, NLĐ phải nghỉ việc và không ít người trong số đó chưa có cơ hội trở lại làm việc sau 1 năm nên đã đề nghị hưởng BHXH một lần.

Một số đơn vị sử dụng lao động thiếu quan tâm đến quyền lợi của NLĐ (tham gia BHXH cho NLĐ ở mức tiền lương thấp, không đóng tiền BHXH hoặc đóng chậm) dẫn đến tâm lý NLĐ không muốn gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH và muốn hưởng sớm quyền lợi của mình.

NLĐ có thu nhập thấp, không ổn định hoặc vì khó khăn cần tiền trang trải cuộc sống; nữ giới ở nhóm tuổi trẻ đang trong độ tuổi sinh đẻ phải nghỉ việc sinh con và chăm sóc con nhỏ; tâm lý NLĐ e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài; nhận thức của NLĐ về tác dụng, ý nghĩa của việc hưởng lương hưu chưa đầy đủ, chưa hình thành ý thức tham gia BHXH lúc trẻ để hưởng tương lai an sinh khi về già… lao động, công nhân, công đoàn, BHXH một lần. Không những vậy, từ năm 2022 mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, điều này khiến NLĐ khó khăn hơn để tham gia BHXH tự nguyện.

Chưa có phương án hợp lý

Tình trạng hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt NLĐ đã giải quyết hưởng BHXH một lần. Số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều quy định hướng đến gia tăng quyền lợi, khuyến khích NLĐ, như bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Trước thực tế trên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang nêu ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án 1, lao động tham gia trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Phương án 2, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.

Về đề xuất trên, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TPHCM cho rằng, nếu phương án 2 được lựa chọn, việc hưởng BHXH một lần tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên lúc này số tiền lao động nhận được chỉ bằng một nửa so với luật hiện hành. Nếu NLĐ thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn và cần khoản trợ cấp một lần để giải quyết thì số tiền này không đủ.

"Như vậy họ không đạt được nhu cầu cần tiền giải quyết khó khăn, dễ gây bức xúc" - ông Hà nói. Mặt khác, số tiền để lại trong quỹ cũng chỉ còn 50%, khi về già lương hưu rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống.

Ngoài ra, một vấn đề cần tính đến ở phương án 2 là chính sách không giới hạn số lần rút. Như vậy, thay vì theo quy định hiện hành việc rời bỏ hệ thống an sinh bằng cách rút hết số tiền đóng được là BHXH một lần thì lúc này sẽ là BHXH nhiều lần. Điều này gây ra khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý khi giải quyết chế độ.

Thực tế cả hai phương án trên được đánh giá chưa phải là phương án tối ưu. Theo các chuyên gia, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày luật này có hiệu lực. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của NLĐ về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của NLĐ. Bởi việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của NLĐ khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt người lao động đã giải quyết hưởng BHXH một lần. Số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều quy định hướng đến gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động, như bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/han-che-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-khong-de-tim-loi-giai-10283491.html