Hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại các đô thị lớn

Để khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, Ban Bí thư yêu cầu siết chặt kỷ cương trật tự đô thị và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Sáng 6/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

 Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Nghiên cứu giải pháp sắp xếp giờ làm việc, học tập

Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Lưu Quang quán triệt Chỉ thị số 23. Theo Phó thủ tướng, tại Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT với người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giao thông.

"Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Ban Bí thư cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm; kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không để giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Để khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM, Ban Bí thư yêu cầu phát triển đồng bộ cả công trình giao thông động và giao thông tĩnh, cả trên mặt đất, trên cao và ngầm. Tuân thủ phương án và kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, nhất là lộ trình di dời trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước, các trường đại học cao đẳng, khu công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm đô thị.

Tập trung nguồn lực phát triển vận tải công cộng gắn với tổ chức giao thông khoa học, siết chặt kỷ cương trật tự đô thị và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; có giải pháp sắp xếp giờ làm việc, học tập, kinh doanh phù hợp góp phần giảm ùn tắc giao thông. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước, các trường đại học cao đẳng, khu công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm.

 Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở Hà Nội.

Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở Hà Nội.

Ùn tắc giao thông tác động không tốt đến môi trường du lịch

Tại hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết qua 10 năm (2012-2022) thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực. So với 10 năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 37%, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại Hà Nội và TP.HCM lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều, dẫn đến còn tình trạng ùn tắc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an, ở một số địa phương, việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của đảng bộ, chi bộ cơ sở còn chậm, trong đó có các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bình Dương, Nam Định, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Tại một số bộ ngành, như Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… nhiều chi bộ triển khai mang tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trọng Đảng/Tiền Phong

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/han-che-su-dung-phuong-tien-co-gioi-ca-nhan-tai-cac-do-thi-lon-post1445532.html