Hạn chế tình trạng một đại biểu nữ 'gánh' quá nhiều cơ cấu

Đây là một trong những kiến nghị được nêu ra tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 -2031 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Apheda tổ chức sáng nay, 22.9, tại Hà Nội.

Vẫn còn những rào cản

Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ, của cả xã hội. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội Khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53. Để đạt được kết quả này có vai trò quan trọng và quyết định của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức bầu cử, sự tích cực, chủ động, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện vượt qua những rào cản, định kiến giới để khẳng định bản thân trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nữ.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu

Tuy nhiên, theo bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đang thiếu vắng sự tham gia của lãnh đạo nữ, đặc biệt là nữ lãnh đạo chủ chốt, có địa phương không có nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có nơi chỉ khoảng 20%.

Việc tăng số lượng hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã có tác động tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bình đẳng giữa các dân tộc Việt Nam, trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, giám sát những vấn đề về quốc kế dân sinh. Mặc dù tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử có chuyển biến theo chiều hướng cao hơn các nhiệm kỳ trước, nhưng vẫn tăng chậm. Đáng nói là, ở nhiệm kỳ này, vẫn còn một số đoàn đại biểu Quốc hội không có nữ, tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân là nữ chưa đạt 30% như mục tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, thực trạng này xuất phát từ nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ về vai trò của phụ nữ trong công việc, trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nói chung, ở các cơ quan dân cử nói riêng mặc dù chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới. Thậm chí do quan niệm của chính bản thân phụ nữ nói chung, nữ đại biểu dân cử nói riêng về vai trò của họ trong các cơ quan dân cử, đây cũng chính là một rào cản trong việc nâng cao tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử. Bởi lẽ với người phụ nữ theo định kiến, họ phải thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ nên vẫn còn có những người khi được giới thiệu ứng cử vào cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân vẫn còn tâm lý e dè, chưa sẵn sàng ứng cử, bà Yên nói.

Bà Ngô Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu

Bà Ngô Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu

Cùng quan điểm này, bà Ngô Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, các định kiến giới với quan điểm coi trọng nam giới hơn phụ nữ; nam giới tham gia việc xã hội, phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ đại biểu dân cử. Nữ giới gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Cũng theo bà Linh, tình trạng người được giới thiệu ứng cử nữ tại nhiều địa phương phải gánh cùng lúc nhiều cơ cấu như dân tộc thiểu số, trẻ tuổi... Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đại biểu nữ, do vậy cũng dẫn đến việc khó giới thiệu được những đại diện nữ vừa đảm bảo các cơ cấu trên lại vừa xuất sắc, có chất lượng để cử tri lựa chọn, bầu làm đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, việc sắp xếp danh sách nam, nữ trong các đơn vị bầu cử tại địa phương không tương đương về trình độ, vị thế công tác cũng có thể dẫn đến nữ ứng cử viên khó trúng cử.

Không nên kết hợp nhiều cơ cấuđối với nữ đại biểu

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 bà Ngô Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đặc biệt là tỉ lệ cơ cấu nữ. Ngay từ khi giới thiệu đại biểu ra ứng cử, các địa phương cần bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ứng cử viên.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Cùng với đó, cần bảo đảm tỉ lệ nam, nữ ứng cử trong danh sách tại các đơn vị bầu cử tương đương về trình độ, vị trí, chức danh, tạo cạnh tranh công bằng trong bầu cử. Để bình đẳng trong quy trình bầu cử thì bản thân phụ nữ phải nâng cao năng lực cũng như phát huy nội lực của mình. Cần nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong tham chính. Phụ nữ cần nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực bản thân về chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, bà Linh nói.

Trong khi đó, ngoài tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và một số giải pháp khác, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên nhấn mạnh đến giải pháp về cơ cấu. Bà Yên cho rằng, cần hạn chế tình trạng một đại biểu nữ “gánh” quá nhiều cơ cấu, vừa cơ cấu trẻ, cơ cấu dân tộc, cơ cấu là trí thức và cơ cấu ngoài Đảng… bởi điều này làm hạn chế, thu hẹp nguồn cán bộ lựa chọn đưa vào ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bà Yên nhấn mạnh.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/han-che-tinh-trang-mot-dai-bieu-nu-ganh-qua-nhieu-co-cau-i343509/