Hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 tử vong

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong

Chiều 16-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành để đánh giá tình hình và đề ra giải pháp cụ thể nhằm giảm số ca chuyển nặng, tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Kiến nghị dừng hoạt động tập trung đông người

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong tuần (từ ngày 9 đến 15-12), cả nước ghi nhận thêm 106.918 ca mắc mới (64.723 ca cộng đồng, chiếm 60,5% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 71,2% ca mắc mới trong cộng đồng; miền Bắc 12%; miền Trung 15,6% và Tây Nguyên 1,1%. So với tuần trước, số ca mắc trong cộng đồng tăng 15,1%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc trong cộng đồng và ca tử vong có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương, trong tuần số ca mắc trong cộng đồng tăng tại 44 tỉnh, thành phố. So với tháng trước, số ca cộng đồng tăng 186,4%; số ca tử vong tăng 102,6%; số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.

Đến hết ngày 14-12, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vắc-xin, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021. Đáng chú ý, hơn 1 triệu liều vắc-xin mũi tăng cường đã được tiêm cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng Ảnh: NHẬT BẮC

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã nhấn mạnh nguy cơ dịch lây lan mạnh nếu biến chủng virus Omicron xâm nhập và vào dịp nghỉ lễ sắp tới. Một số địa phương phản ánh về tình trạng một số người dân chưa tự giác tiêm chủng, trong khi một số người đã tiêm vắc-xin lại chủ quan và đề nghị tiếp tục bổ sung vắc-xin, thuốc điều trị cho các địa phương; xem xét, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ cho những địa phương có nhiều ca mắc trong cộng đồng, phải chuyển lên tuyến trên.

Về giải pháp chống dịch thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị dừng hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì sản xuất - kinh doanh theo hướng an toàn.

Bộ Y tế lưu ý các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ tiêm, bảo đảm bao phủ đủ mũi cho người từ 12 tuổi trở lên; đặc biệt lưu ý nhóm thường xuyên di chuyển (18-50 tuổi) và nhóm đối tượng có nguy cơ, hoàn thành trong tháng 12-2021. Ngoài ra, các địa phương cần triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà theo tinh thần một nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 hoặc nhiều hơn.

Chống dịch cần linh hoạt, sáng tạo

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 128 cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc; việc phòng chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức "5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác". Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

"Vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vắc-xin vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vắc-xin hoặc chống chỉ định tiêm vắc-xin" - Thủ tướng khẳng định.

Nhấn mạnh mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong, Thủ tướng chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.

Để giảm ca mắc Covid-19 chuyển nặng thì phải tăng cường năng lực của y tế cơ sở để người bệnh được tiếp cận từ sớm, từ xa; kết hợp với công tác xét nghiệm tầm soát; không để xảy ra tình trạng người dân phải gọi điện nhiều lần mới tiếp cận được y tế.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng trong phòng chống dịch, vấn đề vắc-xin là cốt lõi. Vì vậy, phải thần tốc tiêm vắc-xin cho người dân, phấn đấu đến ngày 31-12-2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1-2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi.

"Nếu thiếu vắc-xin thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vắc-xin cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.

Người nhập cảnh chỉ cách ly 3 ngày

Bộ Y tế chiều 16-12 ban hành công văn về việc phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Theo đó, từ ngày 1-1-2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3 ngày. Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 cần thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bộ Y tế cho biết ngày 16-12, nước ta ghi nhận 15.270 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó 9.888 ca ngoài cộng đồng. Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin cho 18.792 ca nhiễm trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.

N.Dung

TP HCM cần hỗ trợ 3.000 nhân viên y tế

Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP HCM chiều 16-12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết UBND thành phố vừa có văn bản gửi Bộ Y tế xin hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo bà Mai, khi thành phố mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất - kinh doanh được khôi phục, số ca F0 trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng. Tỉ lệ người cao tuổi mắc Covid-19 trở nặng, tử vong tăng lên gây nhiều áp lực cho ngành y tế. TP HCM đang tập trung cho chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Đến nay, ngành y tế thành phố ghi nhận 173.500 người thuộc nhóm nguy cơ cần bảo vệ; trong đó 140.000 người có bệnh lý nền, còn lại là người trên 65 tuổi.

Hiện các bệnh viện đã hoạt động trở lại, vừa chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa khám và điều trị các bệnh lý thông thường. Do đó, các bác sĩ phải chia sẻ rất nhiều công việc nên thành phố thiếu nhân sự. Theo tính toán về số F0 đang nhập viện, TP HCM ước tính cần bổ sung 3.000 bác sĩ, điều dưỡng.

H.Yến

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/han-che-toi-da-so-ca-mac-covid-19-tu-vong-20211216223947047.htm