Hạn chế tranh chấp trong kinh doanh
Những năm gần đây, tranh chấp giữa các DN có xu hướng gia tăng, không chỉ giữa các DN thuộc khối tư nhân mà còn cả giữa các DN có vốn Nhà nước, và thậm chí là tranh chấp giữa DN với cơ quan Nhà nước.
Theo thống kê của một văn phòng luật sư, dù chưa có các số liệu chính xác nhưng số lượng các vụ việc về giải quyết tranh chấp mà văn phòng này tiếp nhận nhiều hơn khá nhiều so với các năm trước đây.
Về mặt ngắn hạn, do sau đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn. Các DN rơi vào tình trạng đứt gãy dòng tiền, khó khăn, nợ nần lẫn nhau, dẫn tới tình trạng kiện tụng gia tăng để giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ.
Nhiều dự án, công trình đang xây dựng buộc phải dừng lại do chủ đầu tư không có khả năng thanh toán tiếp, tạo ra hiệu ứng Domino giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính, giữa nhà thầu chính và các nhà thầu phụ. Việc các bên không thể thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng làm phát sinh tranh chấp.
Vậy, giải pháp nào hạn chế tranh chấp trong kinh doanh?
Đầu tiên là các bên cần chú trọng hơn vào công tác soạn thảo, đàm phán hợp đồng. Đây là văn bản quan trọng và là cơ sở pháp lý để các bên thực hiện trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.
Nếu các bên chưa có kinh nghiệm thì nên yêu cầu sự hỗ trợ từ các luật sư, luật gia hoặc chuyên gia có kinh nghiệm về hợp đồng.
Một bản hợp đồng tốt và hiệu quả là một bản hợp đồng phản ánh đầy đủ và chính xác ý chí, nguyện vọng của mỗi bên, các quyền, nghĩa vụ và rủi ro được phân bổ hài hòa cho mỗi bên; cũng như làm rõ ràng, đầy đủ và chi tiết nội dung các quyền, nghĩa vụ và thủ tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Một bản hợp đồng quá sơ sài, thiếu các điều khoản thương mại, điều khoản pháp lý cơ bản sẽ tiềm ẩn các tranh chấp không đáng có.
Giải pháp thứ hai là mỗi bên nên phân công bộ phận hoặc nhân sự quản trị hợp đồng để theo sát quá trình thực hiện hợp đồng. Nỗ lực của các bên trong việc phát hiện các vi phạm và chủ động xử lý các sai phạm một cách kịp thời khi vừa phát sinh sẽ dập tắt được các tranh chấp.
Bộ phận quản trị hợp đồng thường là người có hiểu biết về pháp luật, hoặc có kinh nghiệm trong việc kiểm soát hợp đồng. Một số DN bố trí bộ phận kiểm soát nội bộ để làm nhiệm vụ quản trị hợp đồng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, việc kiêm nhiệm như vậy không đảm bảo tính hiệu quả bởi đây là hai loại công việc có tính chất khác nhau.
Một số hợp đồng có giá trị lớn hoặc cho các dự án quy mô lớn, phức tạp thì bộ phận quản trị hợp đồng phải bao gồm những nhân sự có kinh nghiệm chuyên ngành sâu và mức độ tập trung cho công việc cao.
Bộ phận quản trị hợp đồng đảm nhiệm nhiệm vụ bên trong lẫn bên ngoài, tức là giữ mối liên hệ với các nhân sự, bộ phận trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ của DN theo hợp đồng, cũng như giữ mối liên hệ với đối tác trong quá trình thực hiện. Sự tương tác các bên trong và bên ngoài là cách thức để bộ phận quản trị hợp đồng bao quát toàn bộ việc thực hiện hợp đồng và các vấn đề phát sinh để kịp thời can thiệp.
Giải pháp thứ ba là tăng cường kết nối và liên lạc giữa các bên khi có các mâu thuẫn nhỏ phát sinh để kịp thời xử lý và giải quyết. Sự liên lạc hữu hảo và thường xuyên giữa các bên sẽ giúp hóa giải các mầm mống phát sinh tranh chấp, cũng như kịp thời bổ khuyết hoặc làm rõ các vấn đề mà văn bản hợp đồng chưa quy định.
Dù tranh chấp là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, hóa giải thế nào để giảm thiểu thời gian và chi phí, tăng hiệu quả công việc là cần thiết trong hoạt động kinh doanh hiện nay.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/han-che-tranh-chap-trong-kinh-doanh.html