Hạn chót cho 'hóa đơn ly hôn'

Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier nêu rõ, Anh chỉ còn hai tuần để đưa ra câu trả lời về biên lai rời EU lên tới 60 tỷ euro (tương đương 70 tỷ USD). Đây là một trong ba vấn đề then chốt mà EU yêu cầu đạt được tiến bộ đáng kể để chấp nhận mở ra giai đoạn đàm phán thứ hai về mối quan hệ thương mại song phương tại hội nghị cấp cao của liên minh vào tháng 12 tới. Các vấn đề này bao gồm quyền của công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán các hóa đơn Brexit và biên giới tương lai giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh.

Liên quan đường biên giới Bắc Ireland, ông Barnier cho rằng Anh cần tìm giải pháp nhằm ngăn một đường biên giới “cứng” với CH Ireland, trong khi vẫn bảo đảm tính thống nhất của thị trường chung. EU ủng hộ quan điểm của Dublin, rằng phần lãnh thổ Bắc Ireland của Anh sẽ tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của thị trường chung châu Âu cũng như Liên minh thuế quan của EU để tránh sự xuất hiện trở lại của các trạm kiểm soát biên giới với CH Ireland.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Davis khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào với EU cũng không thể tạo ra một biên giới bên trong nước Anh. Phía Anh cũng mong muốn không quay trở lại các trạm kiểm soát biên giới trước kia, nhưng vẫn bày tỏ sẽ rời khỏi thị trường chung EU và Liên minh thuế quan.

Trong khi chưa có câu trả lời cuối cùng về “hóa đơn ly hôn” EU, thì nội bộ Chính phủ Anh lại đang mâu thuẫn sâu sắc về kế hoạch luật hóa thời điểm rút khỏi EU. Ngày 10-11, Chính phủ Anh đã đưa ra dự thảo bổ sung điều luật về việc ấn định chính thức thời điểm Anh rời khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29-3-2019 trước khi Dự luật rút khỏi EU được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện trong tuần tới. Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo sẽ không chấp nhận những ý đồ nhằm ngừng lại hoặc trì hoãn Brexit bằng cách ngăn chặn dự luật nói trên được thông qua tại Quốc hội.

Kế hoạch trên của Chính phủ Anh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền có tư tưởng thân EU. Họ cho rằng điều khoản bổ sung của chính phủ vào dự luật rút khỏi EU sẽ “trói tay” nước Anh và có thể cản trở việc đạt được một thỏa thuận có lợi trong trường hợp cần có thêm thời gian để đàm phán. Theo những nghị sĩ trên, việc luật hóa thời điểm rời EU chỉ là cách của chính phủ nhằm lấy lòng những nghị sĩ ủng hộ Brexit, vốn đang đe dọa sẽ ủng hộ một số yêu cầu sửa đổi bổ sung do Công đảng đối lập đề xuất.

Sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ về dự luật Brexit xuất hiện trong bối cảnh ngay cả “kiến trúc sư” của Điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon về việc chấm dứt tư cách thành viên của một nước trong EU cũng cho rằng có thể đảo ngược tiến trình Brexit, trong khi những nghị sĩ theo đường lối ở lại EU được cho là đang lên kế hoạch phát động một “chiến dịch nghĩ lại” để ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU.

Các diễn biến bất lợi nêu trên khiến các chuyên gia kinh tế cảnh báo, Anh và EU sẽ không thể đạt được thỏa thuận toàn diện về mối quan hệ kinh tế tương lai vào đúng thời hạn chót của kế hoạch Brexit. Theo đó, mục tiêu hoàn tất đàm phán và thông qua một thỏa thuận toàn diện về quan hệ tương lai, bao gồm quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại trước thời hạn 30-3-2019 là bất khả thi và tiến trình này đòi hỏi nhiều năm.

Trong khi chờ đợi Anh đưa ra câu trả lời cuối cùng về “hóa đơn ly hôn”, nhiều nước thành viên EU đang quan ngại về khoản phí phải đóng góp hằng năm cho EU sẽ tăng cao để bù đắp phần thiếu hụt. Các chuyên gia kinh tế ước tính, Đức sẽ phải chi trả khoảng 3,8 tỷ euro để góp phần lấp “lỗ hổng” 10,2 tỷ euro mà Anh để lại sau khi ra đi. Các quan chức EU cũng đang cân nhắc khả năng giảm chi tiêu của liên minh, hoặc tăng các khoản thuế mới, để bù đắp cho thiếu hụt chi phí sau Brexit.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-quocte/baothoinay-quocte-tieudiem/item/34700302-han-chot-cho-%E2%80%9Choa-don-ly-hon%E2%80%9D.html