Đạn pháo Ấn Độ được sử dụng ở Ukraine, quan hệ Nga - Ấn bị ảnh hưởng ra sao?
Thủ tướng Ấn Độ Modi cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Nhưng tin tức về việc Ukraine sử dụng đạn pháo Ấn Độ có thể gây phức tạp cho những nỗ lực đó của ông Modi.
Sóng gió cho quan hệ Nga - Ấn sau hé lộ về đạn pháo Ấn Độ tại Ukraine
Thăm thủ đô Moscow vào đầu tháng 7/2024, Thủ tướng Ấn Độ Modi miêu tả Nga là “đồng minh tin cậy” của Ấn Độ và là “người bạn trong mọi hoàn cảnh”, ý đề cập mối hợp tác chiến lược hàng thập kỷ giữa hai nước.
Nhưng chưa đến 3 tháng sau đó, mối quan hệ đó đã bị thử thách, đặc biệt là sau khi xuất hiện hàng loạt thông tin nói rằng Ukraine đang sử dụng đạn dược của Ấn Độ trong cuộc xung đột vũ trang với Nga. Một bài điều tra của hãng thông tấn Reuters cho rằng đạn pháo Ấn Độ đã được Italy và Séc mua lại, sau đó chuyển sang Ukraine. Bài báo này xuất hiện sau khi có một loạt hình ảnh chiến trường trong những tháng gần đây cho thấy đạn dược Ấn Độ đang được các lực lượng quân sự của Ukraine sử dụng để chống lại Nga.
Trong khi đó, đích thân Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tổ chức một loạt cuộc họp với Tổng thống Ukraine Zelensky, bắt đầu vào tháng 6 năm nay tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) rồi sau đó ông Modi thăm thủ đô Kiev của Ukraine vào tháng 8 - đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Kiev. Và mới đây, tại New York (Mỹ), bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã coi tin tức về việc Ukraine sử dụng đạn dược Ấn Độ là “những đồn đoán mang tính tai hại”. Vị ngoại trưởng này phủ nhận Ấn Độ đã vi phạm bất kỳ quy tắc nào nhưng ông không phủ nhận cụ thể thông tin đạn pháo Ấn Độ hiện diện trong kho vũ khí của Ukraine.
Nhưng giới chức Nga dường như không tin lắm vào cách phản ứng của Ấn Độ và đặt cho họ một câu hỏi lớn: Liệu Ấn Độ có gây sức ép với những khách mua đạn pháo của họ để đảm bảo rằng số vũ khí này không tới được xung đột giữa Ukraine và Nga.
Một quan chức Nga nói với tờ báo al Jazeera: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đạn pháo Ấn Độ đang được các lực lượng Ukraine sử dụng. Thậm chí có ảnh chứng minh điều đó”.
Vị này nhắc tới những thỏa thuận người sử dụng đầu cuối, những thỏa thuận như thế luôn đi kèm các lô xuất khẩu quân sự và giúp người bán theo dõi người sử dụng đầu cuối của các sản phẩm vũ khí này.
Vị quan chức giấu tên nói tiếp: “Hãy chỉ cho chúng tôi bằng chứng về việc Ấn Độ đã theo sát các khách hàng Italy và Séc về cách thức đạn pháo được đưa tới Ukraine”.
Thực tế vụ đạn pháo Ấn Độ vừa qua không phải là trường hợp duy nhất về việc vũ khí Ấn Độ được sử dụng trong các cuộc chiến ngày nay. Hồi tháng 6, tờ al Jazeera tiết lộ cách thức rocket và thuốc nổ do các công ty Ấn Độ sản xuất được xuất sang Israel giữa lúc diễn ra cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza.
Và nếu nói về việc đạn pháo đến Ukraine thông qua những nước thứ 3 (Ấn Độ không nhất thiết có ý định như vậy), điều đó cũng không phải là chưa có tiền lệ, theo Waheguru Pal Singh Sidhu, giáo sư tại Trung tâm các vấn đề toàn cầu tại Đại học New York.
Ấn Độ chỉ đơn giản đứng giữa?
Ấn Độ xuất khẩu vũ khí trị giá 3 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023 khi nước này nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Xung đột Nga - Ukraine đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ. Xuất khẩu của 3 công ty Ấn Độ là Munitions India, Yantra và Kalyani Strategic Systems tới Italy và Séc đã nhảy vọt từ 2,8 triệu USD vào năm 2002 lên mức 135,24 triệu USD vào năm 2024.
Giáo sư Sidhu cho rằng việc Séc và Italy chuyển số lượng ít ỏi đạn pháo mà họ mua được từ Ấn Độ cho Ukraine chứng tỏ dây chuyền sản xuất của những nước đó đã bị căng mỏng và họ buộc phải cố gắng cung cấp đạn cho Ukraine bằng mọi phương tiện có thể. “Đây là sự lặp lại những gì từng xảy ra vào những năm 2011-2012 khi NATO cạn bom và vũ khí để sử dụng ở Libya. Rõ ràng, chiến sự Ukraine đã kéo căng nguồn cung vũ khí trong các đồng minh phương Tây của Ukraine”.
Christopher Clary - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học at Albany, Đại học New York, thì cho biết: “Khi Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu vũ khí ra toàn cầu, họ sẽ phải đối diện với thực tế không dễ chịu là các bên nhập khẩu không phải lúc nào cũng làm những gì mà nhà xuất khẩu muốn làm đối với vũ khí, thậm chí đôi lúc bên nhập khẩu còn làm những điều trái ngược với các hạn chế mà bên xuất khẩu đã đặt ra từ đầu”.
Trong khi đó, một số báo cáo ngụ ý rằng hàng điện tử của Ấn Độ xuất sang Nga đang được ứng dụng vào quân sự.
Giáo sư Sidhu kết luận: “Nếu những điều trên là đúng thì Ấn Độ rõ ràng đang đóng vai trò nhà cung cấp cơ hội bình đẳng, và họ cung cấp cho cả hai bên”.
Tác động lên quan hệ với Nga
Theo các ước tính, đạn pháo Ấn Độ chỉ đáp ứng 1% nhu cầu đạn dược của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.
Phó Giáo sư Clary nhận định: “Lượng đạn Ấn Độ tới Ukraine như trên là khiêm tốn, nên những sóng gió mà nó gây ra cho quan hệ đối ngoại của Ấn Độ cũng ở mức khiêm tốn, có thể quản lý được”.
Tuy nhiên quan chức Nga có nói chuyện với tờ al Jazeera thì lại gợi ý rằng Moscow xem xét vấn đề đạn Ấn Độ theo góc độ hơi khác một chút. Quan chức này chỉ ra một điểm là ngay sau khi trở về từ Kiev hồi tháng 8, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Biden để cập nhật cho ông ấy về cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky nhưng lại không thực hiện cuộc gọi điện tương tự cho Tổng thống Nga Putin và cuối cùng chính ông Putin phải chủ động gọi điện cho ông Modi.
Sau đó Thủ tướng Modi cử Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval tới Moscow để thông báo vắn tắt cho Tổng thống Putin về cuộc gặp giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Zelensky. Một video bị rò rỉ cho thấy Cố vấn Doval đang cố gắng thuyết phục ông Putin nhưng ông Putin dường như tỏ ra không tin tưởng lắm.
Trong khi đó, khi ông Modi quay trở về Ấn Độ, các thủ lĩnh của đảng Quốc đại đối lập đã chỉ trích ông Modi là phá hoại mối quan hệ lịch sử tốt đẹp với Nga do sức ép từ Mỹ.
Lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ, Rashid Alvi, nói với tờ al Jazeera: “Thủ tướng Ấn Độ đã bị buộc phải đi bằng tàu hỏa chống đạn tới Kiev dưới áp lực của Mỹ. Mỹ muốn Ấn Độ cắt đứt quan hệ với người bạn cũ là Nga”.