Hạn hán, mặn hoành hành các tỉnh miền Trung (Bài 1: Ruộng đồng khô khát, nông dân vật vã)

Tổng lượng mưa trung bình đầu năm thấp kỷ lục kèm việc xâm nhập mặn từ nhiều hướng, độ mặn cao đang khiến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đối mặt với nhiều nguy cơ trong mùa hè. Dù 2 địa phương này đang gấp rút xây đập tạm ngăn mặn nhưng nếu lượng mưa ít, thủy điện thượng nguồn không “nhả” nước thì hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu sẽ khô, người dân sẽ khát nước sinh hoạt.

Dù chưa phải là cao điểm của mùa hè nhưng hiện nay, tại TT-Huế nhiều cánh đồng ruộng đang khát khô, thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, rất nhiều diện tích ruộng lúa ở các huyện: Phú Vang, Phong Điền... đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Nhiều khe, suối ở huyện miền núi A Lưới khô cạn nghiêm trọng.

Nhiều khe, suối ở huyện miền núi A Lưới khô cạn nghiêm trọng.

Đồng khô vì thiếu mưa, lúa chết vì mặn

Chưa năm nào huyện miền núi A Lưới lại rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng như thời điểm này. Vốn đã khó khăn về nguồn nước, thì nay càng diễn ra trầm trọng hơn; mực nước ở các con sông, khe suối thấp gần như cạn kiệt, tầng nước ngầm nơi đây cũng bị sụt giảm. Tình trạng này đang đe dọa hàng trăm héc-ta lúa vụ đông xuân bà con nơi đây. Ông Hồ Xuân Đạt (trú thôn A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, H.A Lưới) buồn bã cho biết: Đầu năm thời tiết mưa lạnh nên bà con đã tiến hành gieo, cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên, sau khi người dân gieo sạ lúa xong thì hạn hán liên tục kéo dài suốt thời gian qua. Lúa từ khi gieo, cấy đến nay mới tưới được mấy lần trời mưa, trong khi đó, nước ở con suối Ta Ring bà con hay dùng tưới tiêu gần khu vực ruộng cũng rơi vào tình trạng khô cạn. “Khoảng tuần nữa không có mưa thì coi như mất trắng”, ông Đạt lo lắng.

Theo thống kê của UBND xã Trung Sơn, hiện có hàng chục héc-ta lúa vụ đông xuân của người dân ở xã bị thiếu nước tưới, hư hại. Trong đó, tập trung nhiều ở thôn A Niêng - Lê Triêng 1, Đụt - Lê Triêng 2. Nhằm chống khát cho lúa, xã Trung Sơn đã vận động người dân vét mương khơi thông các nguồn nước từ khe, suối lấy nước cứu lúa. Đối với những diện tích không thể cứu vãn, vận động người dân chuyển sang trồng hoa màu như ngô, đậu, sắn. “Do những diện tích này là đất chuyên canh cây lúa lâu nay, giờ vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây khác cũng gặp nhiều khó khăn. Để khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, xã có những chính sách hỗ trợ giống, tập huấn chuyển giao kiến thức canh tác, sản xuất mới cho bà con”, ông Lê Văn Khuých - Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho hay.

Không chỉ xã Trung Sơn mà hiện hơn 300ha lúa đông xuân trên địa bàn ở các xã: A Ngo, Sơn Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt, thị trấn A Lưới… cũng đang bị khô hạn. Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT H. A Lưới, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều phương án phòng, chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020 như đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhỏ các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt, việc chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cây trồng, đó cũng là biện pháp hiệu quả nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số xã như Sơn Thủy, Trung Sơn… đã thực hiện việc chuyển đổi này và đây cũng là mô hình để những xã các vùng trọng điểm khô hạn làm theo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới cho biết, trước tác động của việc biến đổi khí hậu, tình hình khô hạn kéo dài trên diện rộng khiến nguồn nước sông, suối và các hồ chứa ở địa phương giảm mạnh. Hiện, H. A Lưới có 86 công trình thủy lợi, phần lớn là công trình tạm, bán kiên cố, nhiều trong số đó được đầu tư xây dựng đã khá lâu, nay đã xuống cấp, hư hỏng… Trước tình hình thời tiết diễn ra phức tạp, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn chủ động hơn nữa trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”.

Những ruộng đồng khô hạn ở xã Sơn Trung.

Những ruộng đồng khô hạn ở xã Sơn Trung.

Chống hạn khoảng 2.000 ha lúa theo kịch bản bất lợi

Không chỉ huyện miền núi A Lưới đang xảy ra tình trạng ruộng đồng “khát” khô mà khoảng 2.000 ha lúa trên toàn tỉnh cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước. Ông Hồ Vang- Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa của tỉnh là 28.667 ha. Do lượng mưa trung bình từ đầu năm 2020 đến nay thấp hơn trung bình nhiều năm và phân bổ không đều nên nhiều hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh TT-Huế đang trong tình trạng “khát” nước. Điều này dẫn tới hàng chục héc-ta lúa của địa phương bị chết do xâm nhập mặn và hàng ngàn héc-ta có nguy cơ bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân.

Tính đến thời điểm hiện tại diện tích lúa bị chết do xâm nhập mặn là hơn 80 ha tập trung ở các xã Phú Đa, Phú Diên, Vinh Xuân, Vinh Hà, Phú Gia, Phú Xuân (H.Phú Vang); xã Quảng Công (H.Quảng Điền); xã Hải Dương, Hương Phong (TX Hương Trà); xã Lộc Trì, Vinh Hưng (H.Phú Lộc). Diện tích có khả năng bị thiếu nước từ nay đến cuối vụ Đông Xuân là 1.934 ha tập trung các huyện như Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. “Nhiều diện tích lúa bị xâm nhập mặn vừa được gia đình tui chuyển qua trồng cây khác nhưng cũng không trụ nổi. Nếu tình trạng này kéo dài từ năm này sang năm khác thì chắc cả gia đình phải kéo nhau vào Nam làm thuê”, ông Hồ Văn Đê ở TT Phú Đa (H.Phú Vang) lo lắng.

Nhiều đồng ruộng ở TT Phú Đa (H.Phú Vang) bỏ hoang vì xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Nhiều đồng ruộng ở TT Phú Đa (H.Phú Vang) bỏ hoang vì xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Theo ông Phan Thanh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh TT-Huế, hiện tại mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 50-80% dung tích thiết kế, một số hồ chỉ còn khoảng 30%. Dung tích nước tại các hồ thủy điện đều đạt mức thấp. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh TT-Huế đang chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chi tiết kế hoạch ứng phó chống hạn theo kịch bản bất lợi và bố trí kinh phí để triển khai nạo vét các kênh, rạch, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông vào hệ thống kênh mương nội đồng để chống hạn cho diện tích gieo trồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.

Trước tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ hạn hán sẽ kéo dài, ông Phan Ngọc Thọ-Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế yêu cầu các địa phương trên toàn tỉnh, triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện; chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn. Các công trình thủy lợi phải đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác để cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… Tỉnh TT-Huế cũng vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi như: xây dựng hồ chứa nước Thủy Cam, nâng cấp sửa chữa đập ngăn mặn Thảo Long, đập ngăn mặn Cửa Lác, một số hồ chứa nước, đầu tư hệ thống trạm bơm và tuyến đường ống chuyển nước từ sông tới các xã ven biển của H. Phú Vang, Phú Lộc.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_221837_han-han-man-hoanh-hanh-cac-tinh-mien-trung-bai-1-ruong-dong-kho-khat-nong-dan-vat-va-.aspx