Hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL - Bài 1: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh

Trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả mùa khô năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020.

Đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Giồng Riềng - Bến Nhứt, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Giồng Riềng - Bến Nhứt, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2019 (ngày 12 - 15/12/2019), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), cao hơn trung bình nhiều năm là 24 km, cao hơn năm 2015 là 17 km.

Trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6 - 13/1/2020 với ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 82 - 85 km, cao hơn năm 2016 từ 18 - 20k m; vùng cửa sông Cửu Long từ 45 - 66 km, cao hơn năm 2016 từ 6 - 17 km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48 km, cao hơn năm 2016 là 6 km.

Hạn và xâm nhập mặn gia tăng

Trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3, 4/2020, trước mắt đến ngày 16/2/2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4 g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100 - 110 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4 - 6 km, thấp hơn 15 - 17 km so với mức sâu nhất năm 2016; các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất khoảng 75 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15 km, sâu hơn khoảng 4 km so với mức sâu nhất năm 2016.

Nhận định về độ mặn và thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Phùng Tiến Dũng cho biết, độ mặn trên các sông Nam Bộ có xu thế tăng dần, bên cạnh đó thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung vào tháng 2/2020, đặc biệt vào thời kỳ từ ngày 11 - 15/2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái vào tháng 3.

Do ảnh hưởng của kỳ triều cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất (ranh 4g/l) trong thời kỳ từ ngày 11 - 15/2 tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ 90 - 95 km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 50 - 53 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 3 - 5 km; sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 71 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 11 km; sông Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 65 km, tương đương cùng kỳ năm 2016; sông Hậu phạm vi xâm nhập mặn 61 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2 km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn 60 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 2 km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 2.

Trong tháng 2 và tháng 3, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở đây có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. Từ nửa cuối tháng 3 - 6/2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần. Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập Trung Quốc), sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016.

Dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2 và tháng 3 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5 - 20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu vực dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy luật nhiều năm gần đây. Ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2 từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp. Vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2/2020, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt - đặc biệt ở vùng các cửa sông Cửu Long từ ngày 8 - 16/2/2020. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4 g/l trong thời kỳ này.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tính đến ngày 16/2/2020, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây. Lưu lượng tháng 11 và 12/2019 chỉ đạt 3499 - 4344 m3/s. Dự báo lưu lượng bình quân hết tháng 1/2020 cao hơn so với năm hạn 2016 khoảng 31 m3/s. Lưu lượng bình quân tháng 2/2020 có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm và năm 2016.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 10/2/2020, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại gần 29.700 ha vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020; khoảng 332.000 ha lúa Đông Xuân; 136.000 ha cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020.

Tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt. Do hiện tượng khô hạn kéo dài khiến cho lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sụp lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn, cụ thể tại tỉnh Cà Mau, đã xảy ra sạt lở tại 75 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 6.400m.

Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó

Khô hạn và xâm nhập mặn đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và nhiều diện tích lúa Đông Xuân tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Khô hạn và xâm nhập mặn đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và nhiều diện tích lúa Đông Xuân tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Trước thực trạng trên tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngày 27/9/2019, Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển và sản xuất vụ Đông Xuân 2019 – 2020.

Ngày 3/1/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị Phòng, chống hạn mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 - 2020 tại Bến Tre. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn ban hành chỉ thị 8008/CT-BNN-TCTL ngày 25/10/2019 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020; ban hành công văn 6708/BNN-TCTL ngày 12/9/2019 về chuẩn bị triển khai công tác phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020; tổ chức Hội nghị thống nhất phương án trữ nước, sản xuất đảm bảo vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Đến nay đã có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020: Dự án Cống Âu Thuyền Ninh Quới (tỉnh Bạc Liêu); 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh); Dự án Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); Dự án Nạo vét Kênh Mây Phốp ngã hậu (tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh); 18 cống dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 với diện tích trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000 ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000 ha diện tích đất canh tác. Ngoài ra, hiện nay 11 dự án công trình khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các địa phương đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, có văn bản chỉ đạo ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành liên quan, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Thường xuyên tuyên truyền đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động các biện pháp ứng phó.

Hiện 13/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 (Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bạc Liêu, Cần Thơ); riêng các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã ra Quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức xuống giống vụ Đông - Xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày; thời gian xuống giống từ đầu tháng 10 và cơ bản kết thúc xuống giống trong tháng 12/2019 để bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao; đến nay, đã xuống giống lúa Đông Xuân đạt 1.510.000 ha.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (thường trực là Tổng cục Phòng, chống thiên tai) đã triển khai một số hoạt động như phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Ban Thư ký ASEAN tổ chức “Đối thoại quốc gia: Hành động sớm để giảm tác động của hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh phía Nam - Việt Nam” tại thành phố Cần Thơ ngày 10/12/2019, đi thực địa tại Tiền Giang để đánh giá hiện trạng và nhu cầu hỗ trợ; Tổ chức họp với các thành viên Đối tác để trao đổi, cung cấp thông tin về hiện trạng hạn hán, xâm nhập mặn và chuẩn bị triển khai công tác đánh giá nhanh tại thực địa; Phối hợp với các tổ chức quốc tế (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP, Phụ nữ liên hợp quốc - UNWOMEN, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc - FAO, Tổ chức cứu trợ trẻ em - SAVE CHILDREN…) khảo sát và thu thập thông tin về hiện trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre từ ngày 15 - 17/1/2020.

Bài cuối: Thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/han-han-va-xam-nhap-man-tai-dbscl-bai-1-anh-huong-nghiem-trong-den-san-xuat-va-dan-sinh-20200216073050791.htm