Hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh miền trung
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, thời gian tới, tình hình hạn hán, thiếu nước cục bộ tiếp tục diễn ra ở một số nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất, nhất là các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên. Ngoài ra, độ mặn trung bình vùng hạ lưu các sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong những ngày tới, mực nước các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm và xuống dần. Trên một số sông có khả năng xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ. Lượng dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông chính ở Trung Bộ phổ biến ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 16 đến 57%; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận thấp hơn trung bình nhiều năm từ 70 đến 90%.
Theo dự báo, hôm nay (16-8), do ảnh hưởng của đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn, cho nên ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến khoảng từ 35 đến 37oC, có nơi trên 37oC.
Tại Thừa Thiên - Huế, nắng nóng tiếp tục xảy ra, lượng dòng chảy trên các sông suy giảm, nguy cơ hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, nạo vét kênh mương, ao, hồ… lấy nước phục vụ diện tích bị hạn; chủ động cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các khu vực vùng núi, ven biển đang thiếu nước...
Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài làm hàng nghìn héc-ta rừng sản xuất tại Quảng Ngãi bị chết khô, tập trung ở hai huyện Bình Sơn và Đức Phổ. Trong đó, huyện Đức Phổ có 300 ha rừng keo bị chết. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang thống kê diện tích rừng bị chết để đề xuất tỉnh hỗ trợ.
Tại Bình Định, nắng nóng kéo dài làm hơn 11 nghìn ha lúa vụ thiếu nước tưới, trong đó có 581 ha lúa ở các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước... bị chết. Các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp chống hạn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Ngày 15-8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai làm việc với tỉnh Lâm Đồng. Đoàn công tác đề nghị tỉnh cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa hình, để ứng phó thời tiết thay đổi bất thường. Đối với những vùng đã xảy ra thiệt hại lớn do mưa lũ, cần bổ sung vào bản đồ rủi ro thiên tai để cảnh báo, khuyến cáo các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi thích ứng.
Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hội tụ gió lên đến mực 5.000 m, cho nên hôm nay (16-8), mưa dông tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Bắc Bộ, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm/24 giờ, có nơi trên 120 mm/24 giờ). Cảnh báo, mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Để đối phó diễn biến mưa lớn, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực đồi núi cao, địa hình dốc, tỉnh Yên Bái vừa có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan và các địa phương cảnh báo về biến động của thời tiết; thông tin kịp thời đến các thôn, bản và người dân biết để chủ động phòng tránh; các lực lượng chức năng tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm xử lý hậu quả thiên tai gây ra.
Trong số hơn 300 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), đến nay địa phương đã di chuyển được hơn 140 hộ dân, hơn 80 hộ khác đã được hỗ trợ kinh phí và đang di chuyển.
Ngày 15-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã trao tiền và hàng hóa ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua cho Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, mỗi đơn vị ủng hộ 100 triệu đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La cũng vừa hỗ trợ 500 triệu đồng thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa gửi tới đồng bào vùng lũ.
Sau một tuần phát động, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 120 triệu đồng tiền mặt và các vật dụng thiết yếu để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.