Hân hoan cùng Hướng Hóa
Những ngày này, lòng người hướng về miền tây Quảng Trị với tất cả sự tri ân và hân hoan nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh – Giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968 – 2023). Hòa vào không khí tự hào ấy, chúng tôi trở lại quê hương anh hùng với nhiều cảm xúc dâng trào cùng đồng bào nơi đây.
Nhớ một thời hào hùng
Cựu chiến binh (CCB) Hồ Văn Xang (Thị trấn Khe Sanh), nguyên Đại đội trưởng bộ đội địa phương tham gia mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa bồi hồi khi trở lại di tích căn cứ Làng Vây (xã Tân Long, H.Hướng Hóa), nơi đánh dấu trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia của quân đội Giải phóng. Ông Xang còn nhớ như in ngày gian lao cùng bộ đội địa phương dẫn đường cho các mũi quân của Bộ đội Giải phóng tiến về tiêu diệt căn cứ Làng Vây, một trong những cứ điểm kiên cố do Mỹ thiết lập hy vọng ngăn chặn được sự chi viện từ Bắc vào Nam của quân đội Việt Nam, cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Và chiến thắng Làng Vây ngày 2-7-1968 đã phá vỡ vị trí then chốt trên tuyến phòng ngự Đường 9 – Khe Sanh của Mỹ, Ngụy, góp phần quan trọng trong giải phóng H.Hướng Hóa 5 tháng sau.
Cùng khắc sâu với ký ức về ngày tháng chiến đấu ác liệt đó, CCB Hồ Bắc (xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa) không giấu được niềm xúc động, tự hào. Ông Bắc là bộ đội Trường Sơn, trực tiếp gùi cõng vũ khí, lương thực phục vụ quân Giải Phóng trên mặt trận Trị - Thiên, trong đó có trận đánh Làng Vây, sân bay Tà Cơn năm 1968. Theo dòng hồi ức của các CCB, chúng tôi trở lại những ngày tháng chiến đấu lẫy lừng của hơn 55 năm trước của quân và dân ta.
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 là đòn tiến công có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm đánh chiếm khu vực, địa bàn trọng yếu, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược từ Bắc vào Nam. Đồng thời là sự khởi đầu, nghi binh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đầy hiệu quả. Với đòn nghi binh chiến lược có một không hai này, quân Giải phóng đã thu hút và kìm giữ một bộ phận sinh lực quan trọng cùng một khối lượng lớn bom đạn của Mỹ vào khu vực Đường 9 - Khe Sanh, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân miền Nam, trước hết là Mặt trận Trị - Thiên - Huế đồng loạt nổi dậy tiến công địch. Sau chiến thắng Làng Vây, ta làm chủ đoạn đường từ Khe Sanh lên biên giới Việt Lào, tạo bàn đạp vững chắc vây hãm cứ điểm Tà Cơn. Ngày 7-6-1968, quân ta đánh bại cuộc hành quân giải tỏa mang tên “Ngựa bay” của 8 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, dồn kẻ địch ở Khe Sanh lâm vào tình thế hết sức khốn quẫn. Không thể chịu nổi sức tiến công, vây hãm, ngày 9-7-1968, đế quốc Mỹ buộc phải rút quân khỏi căn cứ Khe Sanh mà chúng lập vào năm 1967. Ngày 9-7-1968, cờ Giải phóng tung bay trên sân bay Tà Cơn, toàn Hướng Hóa được giải phóng.
Sau hơn 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17 ngàn tên địch, bắn rơi và bắn cháy hàng trăm máy bay, xe quân sự, phá hủy hàng chục khẩu pháo lớn và kho tàng của địch, thu hàng nghìn súng các loại, giải phóng hoàn toàn H.Hướng Hóa với hơn 1 vạn dân. Đây cũng là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, tuyến chi viện Bắc - Nam được củng cố vững chắc, liên minh chiến đấu Việt - Lào được tăng cường, tạo động lực quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thắng lợi. Trong những chiến thắng hào hùng ấy, đã vang lên tình đoàn kết, son sắt, mãi mãi là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc trên mảnh đất anh hùng này.
Đồng lòng vì quê hương Hướng Hóa
Năm 1975, khi hai miền Nam - Bắc đã thống nhất, hàng ngàn người là nông dân, là chiến sĩ cách mạng miền xuôi hưởng ứng chủ trương của Đảng lên xây dựng Vùng kinh tế mới Đường 9, mang sứ mệnh tái thiết Khe Sanh - Hướng Hóa. Cùng với đồng bào Vân Kiều – Pa Cô kiên cường, vượt khó, những người chọn Hướng Hóa làm quê hương thứ 2 đã đóng góp đậm sâu vào sự hồi sinh thần kỳ, đổi thay đẹp đẽ của Khe Sanh - Hướng Hóa hôm nay. Các địa danh Tân Hợp, Tân Long, Tân Liên, Tân Lập, Tân Thành…tại Hướng Hóa mà mọi người đang hướng về là những tên gọi các xã được hình thành gắn với cuộc di dân lịch sử vào năm 1975 với sự kết hợp với tên gọi những quê hương dưới xuôi. Ví như Tân Long là xã của người dân từ Triệu Long (H.Triệu Phong) lên, người dân xã Triệu Thành (H.Triệu Phong) xây dựng xã Tân Thành. Nhiều tên làng ở quê cũ cũng được đặt cho nơi ở mới như Bích La Đông, Nại Cửu, An Tiêm…Từ trên vùng đất bị bom đạn cày xới, người dân đã vượt qua bao gian lao, bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết, đồng lòng “hồi sinh” cả vùng núi Hướng Hóa.
Khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, thời tiết khí hậu, Hướng Hóa hôm nay được biết đến với các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện có hơn hàng ngàn ha cà-phê, hồ tiêu. Sắn, chuối, cao su cũng phủ xanh đồi rẫy… Quốc phòng – An ninh được đảm bảo, giao thông đi lại thuận tiện, hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm được đầu tư đã đưa chất lượng cuộc sống người dân thay đổi vượt bậc.
Dấu ấn 55 năm giải phóng, người dân Hướng Hóa tự hào bởi đang chứng tỏ sự năng động, đoàn kết, và họ tin còn phát triển KT-XH vượt bậc hơn nữa trong mai này.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/han-hoan-cung-huong-hoa-post280115.html