Hàn Quốc áp dụng loạt biện pháp bình ổn vật giá
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hạ hạn ngạch thuế quan đối với bảy loại nguyên liệu thực phẩm, bao gồm thịt lợn và dầu ăn xuống 0% cho đến cuối năm nay.
Nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu nhiều thách thức và sẽ không dễ đạt được mục tiêu giữ tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 2,6% như dự báo của Chính phủ.
Lo ngại này xuất hiện bởi xuất khẩu, vốn là động lực thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu tác động mạnh do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát tiếp tục tăng do giá dầu và nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Ngày 11/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã triệu tập phiên họp chính phủ để thảo luận tình hình và đưa ra các giải pháp đối phó.
Theo đó, Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành giám sát và điều phối các chính sách kinh tế tổng thể đã quyết định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và sinh kế của người dân làm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Khuyến khích kịp thời các biện pháp vì dân sinh nhằm ổn định vật giá
Bộ Tài chính thời gian qua đã liên tiếp triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ dân sinh bao gồm: triển khai thực hiện bổ sung ngân sách lần thứ hai, triển khai các biện pháp ổn định sinh kế của người dân, đưa ra định hướng chính sách kinh tế mới của Chính phủ và thông qua gói các biện pháp bình ổn giá hiện hành.
Theo đó, Hàn Quốc đã áp dụng giảm thuế nhiên liệu, mở rộng việc cắt giảm thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và butan LPG lên 37% trong vòng 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết năm 2022.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần áp dụng thuế suất linh hoạt hơn đối với nhiên liệu như xăng và dầu diesel và nên mở rộng biên độ cắt giảm lên mức 50% nhằm giảm bớt gánh nặng do người dân khi giá xăng và dầu diesel gần đây đã vượt 2.000 won (1,53 USD)/ lít.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Tài chính Bang Ki-seon cho biết hiện Quốc hội đang thảo luận việc cắt giảm thêm thuế nhiên liệu. Cùng vói đó các biện pháp bình ổn giá nông sản, vật nuôi, thủy sản và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương cũng đang được đẩy mạnh.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hạ hạn ngạch thuế quan đối với bảy loại nguyên liệu thực phẩm, bao gồm thịt lợn và dầu ăn xuống 0% cho đến cuối năm nay. Thuế nhập khẩu cà phê nhân và hạt ca cao sẽ được miễn thuế đến năm 2023.
Chính phủ Hàn Quốc ngày 8/7 cũng đã quyết định bổ sung thêm 7 mặt hàng nhập khẩu được áp thuế suất 0%, bao gồm thịt bò, thịt gà, sữa bột, hành lá, hạt cà phê. Hiện tại, thuế nhập khẩu thịt bò Mỹ là 10%, thịt bò Australia là 16%, thịt gà từ 20-30%, sữa bột từ 20% đến tối đa 176%.
Từ ngày 24/6, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai gói trợ cấp 1.000 tỷ won để hỗ trợ sinh kế khẩn cấp cho những hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo đó, hộ gia đình 4 người có thu nhập thấp dưới mức trung bình sẽ nhận được hỗ trợ tới 1 triệu won và ước tính sẽ có khoảng 2,27 triệu hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách này.
Bộ Tài chính đã quyết định chuẩn bị thông qua “chính sách sinh kế Chuseok" trong tháng tới và công bố các biện pháp đối phó bổ sung nhằm giúp người dân đón Tết Trung thu (kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất với người dân xứ sở Kim chi) không quá khó khăn trong bối cảnh vật giá leo thang.
Thúc đẩy phục hồi xuất khẩu và đầu tư, cung cấp gói hỗ trợ thương mại 40 nghìn tỷ won
Chính phủ Hàn Quốc xác định, để khôi phục động lực kinh tế nếu chỉ ngăn chặn lạm phát là không đủ mà cần tập trung vào việc phục hồi xuất khẩu và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất để đối phó với những bất ổn kinh tế. Theo đó, chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành hỗ trợ toàn diện về tài chính, hậu cần và tiếp thị để duy trì động lực tăng trưởng của xuất khẩu.
Hàn Quốc đã triển khai gói hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực thương mại lên tới 40.000 tỷ won và cho đưa ít nhất 4 tàu mỗi tháng do chính phủ hỗ trợ để giải quyết những khó khăn về vận tải.
Chính phủ Hàn Quốc cũng thúc đẩy nhanh chóng các quy định liên quan đến đầu tư tư nhân và giảm bớt gánh nặng thuế. Cùng với đó, các biện pháp liên quan đến chính sách ổn định kinh tế vĩ mô như thị trường tài chính, ngoại hối và nợ hộ gia đình cũng sẽ được tăng cường.
Hệ thống cảnh báo sớm (EWS) cho từng lĩnh vực đã được kích hoạt theo kế hoạch dự phòng cho từng tình huống. Thứ trưởng Tài chính Bang Ki-seon cho biết: Khi tỷ giá hối đoái biến động nhiều, những rủi ro bên ngoài đang gây áp lực lớn lên nền kinh tế Hàn Quốc. Hiện tại, các cơ quan chính phủ đang nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kinh tế 2,6% trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bang, Bộ Tài chính đã tăng cường chức năng tổng hợp và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm cả thị trường bất động sản. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai cơ chế họp khẩn cấp do Phó thủ tướng phụ trách kinh tế với các bộ trưởng kinh tế, họp bộ trưởng kinh tế đối ngoại, cuộc họp bộ trưởng liên quan đến bất động sản với các tổ chức liên quan.
Với tình hình hiện tại, Bộ dự kiến sẽ đưa ra định hướng tổng thể của chính sách kinh tế và phối hợp thiết lập các kế hoạch ứng phó bằng cách sử dụng các công cụ ngân sách và hệ thống thuế để điều tiết./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-ap-dung-loat-bien-phap-binh-on-vat-gia/250695.html