Hàn Quốc: Áp lực tăng tuổi nghỉ hưu do dân số già hóa
Các tập đoàn kinh doanh tại Hàn Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong vkéo dài tuổi nghỉ hưu người lao động để ứng phó với thay đổi về nhân khẩu học do tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa.
Cuộc tranh luận về chủ đề này đang diễn ra sôi nổi sau khi chính phủ quyết định xem xét kéo dài thời gian đóng bắt buộc cho lương hưu quốc gia thêm 5 năm, nâng lên 64 năm, do tuổi thọ tăng lên.
Hầu hết các tập đoàn đều ấn định tuổi nghỉ hưu là 60, do đó họ đang bắt đầu thảo luận về việc có nên tăng tuổi nghỉ hưu theo sáng kiến của chính phủ hay không.
Các chuyên gia cho rằng các công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc làm theo do tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tuy nhiên, họ cũng thúc giục chính phủ cung cấp nhiều lợi ích về thuế doanh nghiệp hơn để đổi lấy việc kéo dài tuổi nghỉ hưu hoặc tái tuyển dụng lao động theo hợp đồng.
Giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sejong, Kim Dae Jong, cho biết xét về những thay đổi về nhân khẩu học, cuối cùng các công ty sẽ phải kéo dài tuổi nghỉ hưu của người lao động. Ông Kim nói: “Nhưng quyết định này cũng có thể được xem là biện pháp tạo việc làm cho người cao tuổi, do đó chính phủ cần cung cấp nhiều ưu đãi thuế hơn cho các công ty, đặc biệt là khi gánh nặng thuế doanh nghiệp của họ cao hơn so với các quốc gia khác”.
Tính đến năm 2024, mức thuế doanh nghiệp của Hàn Quốc là 24%, cao hơn mức trung bình 22% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Công nhân và ban quản lý của công ty Hyundai Motor gần đây đã đạt được thỏa thuận cho phép công nhân lành nghề được tái tuyển dụng trong thời hạn tối đa 2 năm sau khi đến tuổi nghỉ hưu. General Motors (GM) Hàn Quốc cũng lạc quan về việc tái tuyển dụng lao động đã nghỉ hưu. Ban quản lý và lao động của hãng xe này đã quyết định tìm kiếm các biện pháp để cho phép lao động đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc từ năm 2025.
Các chuyên gia lao động khác cho rằng nhiều công ty sẽ noi gương Hyundai Motor và GM. Giám đốc bộ phận chính sách xã hội và việc làm tại Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc, Lim Young Tae, cho biết: "Do những tác động phụ tiềm ẩn của việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, các công ty lớn có thể sẽ áp dụng các biện pháp tương tự bằng cách tái tuyển dụng một số lao động có tay nghề trong một vài năm nữa". Theo ông Lim, tác dụng phụ bao gồm chi phí lao động tăng cho các công ty và khả năng suy giảm cơ hội việc làm cho những người lao động trẻ.
Những công nhân tham gia công đoàn tại các tập đoàn lớn khác cũng đang đưa vấn đề này lên bàn đàm phán với ban quản lý. SK hynix, POSCO và HD Hyundai đang kêu gọi kéo dài tuổi nghỉ hưu lên tới 65. Nhu cầu này phát sinh do người lao động sẽ đủ điều kiện nhận lương hưu quốc gia ở độ tuổi 65 kể từ năm 2033, tăng so với độ tuổi hiện tại là 63.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ và An toàn, 19% dân số
Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên. Theo Liên hợp quốc, khi hơn 20% dân số ở độ tuổi 65 trở lên, các tổ chức quốc tế phân loại đây là xã hội siêu già. Tuy nhiên, các quan chức tại các tập đoàn lớn bày tỏ lo ngại rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến chi phí lao động tăng lên.
Một quan chức tại một tập đoàn cho biết việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là mong muốn của xã hội trong bối cảnh xã hội đang già hóa, nhưng các công ty không thể thúc đẩy động thái này trừ khi chính phủ đưa ra một loạt ưu đãi thuế cụ thể. Quan chức này nói: “Ngoài ra, các công ty có thể ít muốn thuê những người lao động trẻ tuổi hơn do gánh nặng chi phí liên quan đến việc tuyển dụng những người lao động lớn tuổi”.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-quoc-ap-luc-tang-tuoi-nghi-huu-do-dan-so-gia-hoa/347771.html