Hàn Quốc cam kết tiến nỗ lực hết sức nhằm duy trì đối thoại phi hạt nhân hóa

Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 9/12 cho biết nước này sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể nhằm duy trì xung lực đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ, trong khi thừa nhận rằng việc Triều Tiên thực hiện vụ phóng gần đây làm tình hình trở nên 'nghiêm trọng'.

Một vụ thử tên lửa đạn đạo tại địa điểm bí mật ở Triều Tiên. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Một vụ thử tên lửa đạn đạo tại địa điểm bí mật ở Triều Tiên. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 8/12, Bình Nhưỡng thông báo đã thực hiện thành công một vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae, còn được biết đến với cái tên bãi phóng Dongchang-ri ở bờ biển phía Tây. Thông báo khẳng định kết quả của vụ thử sẽ thay đổi "vị thế chiến lược" của Triều Tiên trong tương lai gần. Triều Tiên không nói rõ đã thử nghiệm vũ khí gì, song các chuyên gia cho rằng đó là một động cơ tên lửa mới có thể dùng để phóng tên lửa tầm xa hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Vụ thử trên diễn ra trong bối cảnh nhiều tin đồn về việc Bình Nhưỡng sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa nếu đến cuối năm nay, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington vẫn bế tắc.

Trong tuyên bố tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết: "Trong khi thừa nhận rằng tình hình đã trở nên nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan theo dõi sát các diễn biến liên quan đến Triều Tiên". Quan chức trên nhấn mạnh rằng vì Triều Tiên và Mỹ vẫn sẵn sàng đạt tiến bộ thông qua đàm phán, nên "Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các biện pháp cần thiết và nỗ lực giúp duy trì xung lực đối thoại và thúc đẩy đạt tiến bộ".

Dongchang-ri từng là bãi phóng các loại tên lửa tầm xa có thể mang vệ tinh. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) đã cam kết dỡ bỏ vĩnh viễn bãi phóng này tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 vừa qua trong một động thái nhằm nhấn mạnh cam kết phi hạt nhân hóa của mình. Vụ thử ngày 7/12 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên gần đây có "lời qua tiếng lại" và gia tăng sức ép với nhau, cảnh báo sẽ hành động trước nếu trước khi hết năm 2019 cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa không đạt tiến bộ. Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) gần đây thậm chí tuyên bố vấn đề phi hạt nhân hóa không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ.

Vài giờ sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử "rất quan trọng" trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng ông Kim sẽ "mất tất cả" nếu hành động một cách thù địch. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc dẫn lời Tổng thống Trump khẳng định Bình Nhưỡng "sẽ phải ngạc nhiên nếu tiếp tục các hành vi thù địch". Lời cảnh báo trên được đưa ra ít ngày sau khi ông Trump từng để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Triều Tiên khi cần.

Cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết Mỹ có "nhiều công cụ" để đối phó với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ các cam kết phi hạt nhân hóa. Ông O'Brien nhấn mạnh sẽ là một "sai lầm" nếu Triều Tiên chọn hướng đi mới đó, đồng thời khẳng định Washington vẫn muốn Bình Nhưỡng giữ cam kết phi hạt nhân hóa".

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ luôn mở rộng cánh cửa đàm phán với Triều Tiên. Trả lời phỏng vấn hãng Fox News ngày 8/12, ông Esper nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo sự sẵn sàng phòng thủ, song ưu tiên thứ hai là đảm bảo duy trì kênh ngoại giao.

Bích Liên - Hữu Tuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-cam-ket-tien-no-luc-het-suc-nham-duy-tri-doi-thoai-phi-hat-nhan-hoa-20191209122241264.htm