Hàn Quốc cân nhắc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều
CMA kêu gọi thiết lập các vùng đệm và vùng cấm bay gần biên giới liên Triều để cấm bắn pháo, tập trận hải quân và các hoạt động giám sát nhằm ngăn chặn đụng độ giữa hai miền Triều Tiên.
Các nguồn tin ngày 14/11 cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 như một biện pháp phòng ngừa trước các hành động "khiêu khích" của Triều Tiên.
Thỏa thuận Quân sự Toàn diện (CMA) kêu gọi thiết lập các vùng đệm và vùng cấm bay gần biên giới liên Triều để cấm bắn pháo, tập trận hải quân và các hoạt động giám sát nhằm ngăn chặn đụng độ giữa hai miền Triều Tiên.
CMA cấm các chuyến bay của máy bay không người lái trong phạm vi 10 km từ khu vực phía Tây và 15 km từ khu vực phía Đông tính từ Đường phân giới quân sự (MDL).
Một quan chức chính phủ giấu tên, viện dẫn các cuộc thảo luận đang diễn ra, cho hay: "Chính phủ đang xem xét đình chỉ một số điều khoản trong thỏa thuận quân sự liên Triều như một biện pháp phòng ngừa."
Theo nguồn tin, một trong những biện pháp hiện đang được thảo luận bao gồm khả năng nối lại những hoạt động giám sát gần biên giới trong trường hợp Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự.
Động thái mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên được cho là đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để tìm cách đưa vệ tinh do thám đầu tiên lên quỹ đạo, sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8.
Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik đã nhiều lần kêu gọi đình chỉ hiệp ước kể từ khi nhậm chức vào tháng trước, với lý do hạn chế về khả năng giám sát. Ông giải thích lập trường của Seoul trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Lloyd Austin hôm 13/11.
Trong một cuộc họp báo chung, ông Austin nói rằng ông và người đồng cấp Shin Won-sik đã trao đổi quan điểm về vấn đề này và "đồng ý tiếp tục tham vấn chặt chẽ trong tương lai."
Trước đó Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 2/11 kêu gọi Triều Tiên trả lời các cuộc gọi hằng ngày qua kênh liên lạc liên Triều.
Hai miền Triều Tiên đã thực hiện các cuộc gọi thường kỳ mỗi ngày 2 lần - vào lúc 9 giờ và 17 giờ - trong khuôn khổ liên lạc giữa hai miền, tuy nhiên các cuộc gọi thường kỳ này không được trả lời kể từ ngày 7/4 vừa qua.
Tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề cập vụ giải cứu một tàu của Triều Tiên mắc kẹt ở vùng biển phía Đông ngày 29/10 vừa qua, theo đó nhấn mạnh kênh liên lạc liên Triều "là một kênh cần thiết để thông báo và tham vấn về thảm họa và cứu hộ trên biển, vì vậy không nên bị ngừng trong bất kỳ hoàn cảnh nào."./.