Hàn Quốc chi tiền để khiến thanh niên ẩn dật ra khỏi nhà
Hàn Quốc đã khởi động chương trình trợ cấp hàng tháng dành cho những người trong độ tuổi 9-24 đang sống ẩn dật, nhằm hỗ trợ họ tái hòa nhập xã hội, Guardian đưa tin ngày 13/4.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp cho nhóm thanh niên này một khoản trợ cấp sinh hoạt hàng tháng trị giá 650.000 won (tương đương 490 USD) để khuyến khích họ ra khỏi nhà, theo gói biện pháp mới vừa được Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nước này thông qua.
Ngoài khoản trợ cấp sinh hoạt, chương trình cũng cung cấp hỗ trợ về giáo dục, việc làm và sức khỏe.
Khoảng 350.000 người trong độ tuổi 19-39 ở Hàn Quốc bị coi là sống cô đơn hoặc cô lập, theo thống kê của Viện Y tế và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc. Tình trạng sống tách biệt với xã hội được gọi là “hikikomori” - một thuật ngữ xuất phát từ Nhật Bản.
Theo các tài liệu chính phủ, những người sống ẩn dật thường có hoàn cảnh khó khăn. 40% trong số họ bắt đầu sống tách biệt với cộng đồng từ khi còn là thanh thiếu niên.
Nhóm người trẻ này lựa chọn cuộc sống ẩn dật như một cách đối phó với những thất bại trong cuộc sống gia đình. Một thanh niên chia sẻ chứng trầm cảm của mình là hậu quả của bạo lực gia đình.
“Năm 15 tuổi, bạo lực gia đình khiến tôi chán nản đến mức bắt đầu sống ẩn dật. (Tôi sống) một cách thờ ơ, hầu như lúc nào cũng ngủ và chỉ ăn khi đói rồi ngủ tiếp”, người này cho biết.
Một thanh niên khác chọn sống ẩn dật khi gia đình “phá sản”.
Theo tuyên bố của chính phủ Hàn Quốc, các biện pháp mới nhằm tăng cường hỗ trợ “những thanh niên ẩn dật khôi phục cuộc sống hàng ngày và tái hòa nhập xã hội”. Gói biện pháp mới cũng bao gồm việc hỗ trợ chi phí chỉnh sửa ngoại hình, chẳng hạn những vết sẹo khiến họ "cảm thấy xấu hổ" và các dụng cụ tập gym.
Hàn Quốc có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tương đối cao, ở mức 7,2% và đang cố gắng giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng đe dọa lực lượng lao động.
“Chính sách này về cơ bản là một biện pháp phúc lợi”, bà Shin Yul, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Myongji (Seoul), nói với Bloomberg. “Dù việc thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để tăng dân số trong độ tuổi lao động là tốt, đây không thể coi là giải pháp lâu dài để khắc phục vấn đề dân số”.