Hàn Quốc đánh giá vắcxin COVID-19 của Moderna đạt hiệu quả trên 94%

Vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna - Ảnh: AFP/TTXVN

* Nga công bố một số ưu điểm của vắcxin mới Sputnik Light

Ngày 10/5, một hội đồng chuyên gia của Hàn Quốc cho biết vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho thấy hiệu quả phòng ngừa hơn 94% và đủ điều kiện để cấp phép sử dụng.

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, ban cố vấn gồm nhiều chuyên gia bên ngoài bộ đã công bố kết quả đánh giá độ an toàn và hiệu quả của vắcxin Moderna sau khi rà soát các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở 28.207 người.

Dữ liệu cho thấy vắcxin có hiệu quả ngừa bệnh ở tất cả những người trưởng thành được tiêm 2 liều vắcxin của Moderna. Cụ thể, vắcxin đạt tỉ lệ 94,1% trong phòng ngừa COVID-19 và hơn 86% ở những người thuộc mọi lứa tuổi hoặc có bệnh nền.

Một số người thông báo gặp những phản ứng nhẹ sau tiêm, nhưng những triệu chứng biến mất sau một hoặc hai ngày. Đánh giá này là bước đầu tiên trong ba quy trình đánh giá độc lập trước khi Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm chính thức cấp phép sử dụng vắcxin của Moderna.

Nếu được cấp phép, chế phẩm của Moderna sẽ là vắcxin thứ tư được cơ quan chức năng Hàn Quốc thông qua sau vắcxin của các hãng AstraZeneca (Anh), Pfizer và Johnson & Johnson (Mỹ). Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng với hãng dược phẩm Mỹ để đảm bảo vắcxin cho 20 triệu người. Dự kiến, một lô vắcxin sẽ được chuyển đến Hàn Quốc trước tháng 6 tới.

Trong diễn biến khác, Bộ Y tế Nga cho biết vắcxin ngừa bệnh COVID-19 mà nước này sản xuất, mang tên Sputnik Light, có thể bảo quản trong 6 tháng trong trạng thái đông đá với nhiệt độ dưới 18 độ C, và bảo quản trong 1 tháng khi ở dạng lỏng với nhiệt độ từ 2-8 độ C. Vắcxin có thể được đóng gói dưới dạng lọ nhỏ hoặc ống tiêm với các iều lượng khác nhau. Một liều cần thiết để tiêm là 0,5ml.

Theo Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh quốc gia Gamaleya và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cùng trung tâm Gamaleya, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, vắcxin Sputnik Light cho thấy hiệu quả (28 ngày sau khi tiêm) là 79,4% và có tác dụng phòng ngừa đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Ngoài ra, chưa cho thấy phản ứng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vắcxin này. Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn III trên 7.000 người ở nhiều quốc gia, bao gồm Nga, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Ghana dự kiến sẽ cho kết quả trong tháng 5.

Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev nhấn mạnh với giá thành sản xuất rẻ (dự kiến thấp hơn 10 USD) và chỉ cần tiêm 1 mũi, vắcxin Sputnik Light có thể giúp nhiều quốc gia đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Sputnik Light là phiên bản chi phí rẻ hơn của vắcxin Sputnik V một liều duy nhất, được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus với việc sử dụng loại vector (rAd26) - một trong hai thành phần chính của Sputnik V. Vắcxin này đã chính thức được cấp phép sử dụng ở Nga ngày 6/5.

Theo Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, Sputnik Light sẽ được đưa vào tiêm đại trà từ tháng 1/2022 và có thể được sử dụng cho đối tượng từ 18-60 tuổi và những người có lượng kháng thể thấp. Đến nay đã có 9 doanh nghiệp giành được quyền sản xuất loại vắcxin Sputnik Light. Ông Dmitriev cho biết Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc nằm trong số các địa điểm sản xuất.

Ngoài ra, RDIF đang đàm phán với các cơ quan quản lý dược phẩm ở nhiều quốc gia, đồng thời bày tỏ hy vọng 64 quốc gia đã cấp phép sử dụng vắcxin Sputnik V sẽ đồng ý sử dụng vắcxin Sputnik Light.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 9/5 cho biết nhiều nước đã quan tâm tới vắcxin Sputnik Light, tuy nhiên không nêu rõ tên quốc gia cụ thể nào. Dự kiến trong tuần tới một số nước sẽ cấp phép sử dụng vắcxin Sputnik Light.

Trong diễn biến khác, ngày 10/5, nhà sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, BioNTech cho biết sẽ xây dựng một nhà máy ở Singapore, mỗi năm có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vắcxin dựa trên công nghệ mRNA. Trong một tuyên bố, hãng dược của Đức cho biết sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất cũng như trụ sở khu vực đặt ở Singapore trong năm nay và cơ sở này có thể đi vào hoạt động vào năm 2023.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255490/han-quoc-danh-gia-vacxin-covid-19-cua-moderna-dat-hieu-qua-tren-94.html