Hàn Quốc 'đau đầu' tìm cách giải thoát cuộc khủng khoảng về tỷ lệ sinh

Tình trạng khủng hoảng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc như hiện nay sẽ đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ nước này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: hani.co)

Những con số ‘‘báo động’’

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ năm 2016. Thậm chí, tỷ lệ sinh dự báo sẽ thấp hơn trong năm nay. Dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy, số ca sinh giảm hơn nữa kể từ tháng 2/2019, giảm 7% so với một năm trước đó.

Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê Hàn Quốc đã đưa ra một mối đe dọa đối với lực lượng lao động của Hàn Quốc. Trong một thập kỷ sau năm 2017, số người trong độ tuổi sinh sản dự kiến sẽ giảm 2,5 triệu người, trong khi dân số hết độ tuổi lao động sẽ tăng lên 4,5 triệu người. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh ngày càng giảm cũng dẫn đến việc Hàn Quốc trở thành một xã hội già hóa. Năm 2018, chuyên gia kinh tế Lee Jong-hwa chỉ ra đến năm 2030 sẽ có khoảng 1/3 số người dân Hàn Quốc bước sang tuổi 65.

Văn phòng Giáo dục Seoul đã tuyên bố vào đầu năm nay họ dự kiến sẽ đóng cửa ba trường tiểu học và trung học vào tháng 2 tới. Trong khi đó một trường trung học cơ sở khác cũng sẽ đóng cửa để kết hợp khuôn viên của nó với một trường tiểu học khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu học sinh.

Tại Busan, số học sinh tiểu học đăng ký vào các trường giảm 26% trong 9 năm qua, giảm từ 199.407 học sinh năm 2010 xuống còn 147.340 học sinh tính đến tháng 3/2019. Trong khi, số học sinh trung học giảm 43% và học sinh trung học giảm 40%.

Hôn nhân không còn quan trọng với phụ nữ Hàn Quốc

Theo một báo cáo riêng của Cục Thống kê Hàn Quốc, ở thời điểm hiện tại, rất ít phụ nữ nước này tin rằng, hôn nhân là điều bắt buộc. Năm 2010, 64,7% phụ nữ ở Hàn Quốc cho rằng, hôn nhân là bắt buộc đối với phụ nữ, trong khi chỉ có 48,1% đưa ra câu trả lời tương tự vào năm 2018. Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ Hàn Quốc ''ngại'' kết hôn và sinh con đến từ vấn đề quyền phụ nữ.

Baeck Ha-na, một ‘‘ngôi sao’’ YouTuber ở Hàn Quốc, ó một kênh YouTube bằng tiếng Anh mang tên ‘‘Solo-darity’’ nói về cuộc sống độc thân của mình. Theo Baeck Ha-na, cô thuộc một nhóm phụ nữ Hàn Quốc hiện đại, quyết tâm từ chối hôn nhân và làm mẹ. ‘‘Thay vì thuộc về ai đó, tôi có một tương lai đầy tham vọng cho bản thân mình’’, Baeck Ha-na cho biết.

Baeck Ha-na cho rằng, chính sách của chính phủ Hàn Quốc về quyền phụ nữ khiến cho cô bất mãn. Quan điểm phụ nữ sẽ phải kết hôn và sinh con thể hiện nhận thức của một xã hội coi phụ nữ như một đối tượng, không phải là một cá nhân.

Chính sách của chính phủ Hàn Quốc về quyền phụ nữ khiến nhiều người bất mãn. (Nguồn: Bloomberg)

Baeck Ha-na thậm chí còn không muốn được gọi là ‘‘mi-hon’’, tạm dịch là chưa kết hôn, một thuật ngữ tiếng Hàn phổ biến dành cho phụ nữ độc thân. Thay vào đó, Baeck Ha-na cho rằng, mình thuộc nhóm ‘‘bi-hon’’, tạm dịch là không muốn kết hôn.

Baeck Ha-na là thành viên của EMIF - một mạng được tạo ra cho phụ nữ để tổ chức các cuộc thảo luận, tham dự các buổi chiếu phim và tổ chức các sự kiện kết nối. Trong một cuộc họp gần đây của EMIF, chín thành viên của nhóm đã thảo luận về các chính sách được tạo ra để giải quyết tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc.

Kang Han-byul, người đồng sáng lập nhóm EMIF cho biết, vấn đề lớn nhất của chính phủ Hàn Quốc là họ không lắng nghe phụ nữ - những đối tượng thực sự phải sinh con và phải nuôi con. Những người khác trong nhóm cũng từ chối vai trò đối với phụ nữ ở Hàn Quốc, là làm mẹ. ‘‘Vai trò truyền thống này đã biến chúng tôi thành công dân hạng hai và tôi không muốn mình được sử dụng như một công cụ trong cuộc sống’’, Jung Se-young, người đồng chủ trì trên kênh YouTube của Baeck Ha-na nói.

Chính phủ Hàn Quốc nên làm gì?

Trước tình trạng đó, Chính phủ Hàn Quốc đang phản ứng bằng cách đưa ra các biện pháp để khuyến khích hôn nhân như tổ chức các sự kiện để những người độc thân có thể gặp gỡ, giao lưu và kết bạn với nhau.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã chi tới 89 tỷ USD vào các chính sách liên quan đến việc tăng tỷ lệ sinh nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Chính phủ nước này cũng từng khuyến khích các bạn trẻ kết hôn, với niềm tin những người kết hôn sớm có thể sẽ sinh nhiều con.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp nhất thời. Các chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc nên đưa ra các đối sách dài hạn và toàn diện để giải quyết các vấn đề xã hội đang cản trở việc mang thai, sinh nở và chăm sóc con cái của phụ nữ để vượt qua cuộc khủng hoảng tỷ suất sinh một cách hiệu quả.

(theo Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/han-quoc-dau-dau-tim-cach-giai-thoat-cuoc-khung-khoang-ve-ty-le-sinh-98136.html