Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp: Làm sao để hai bên cùng có lợi?

Thúc đẩy hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả 2 bên, có ý nghĩa cấp thiết, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Luật Giáo dục đại học hiện hành quy định: “Gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp”. Đồng thời, “cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng đang tăng cường đẩy mạnh hoạt động hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Sản phẩm đầu ra của trường là sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực cho biết: Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội.

 Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NTCC.

Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NTCC.

Đó cũng là xu hướng mà bất kỳ trường đại học nào hiện nay đang dần chú trọng và quan tâm đến. Mối quan hệ liên kết này được thể hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp.

Một là, sản phẩm đầu ra của nhà trường chính là sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu như sản phẩm đào tạo của nhà trường tốt thì doanh nghiệp cũng sẽ tiếp nhận chất lượng nhân lực tốt.

Có thể thấy, đây chính là phương diện hiệu quả giúp nâng cao uy tín và thương hiệu của nhà trường. Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng nhất của việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là công tác kết nối tuyển dụng nhân lực.

Hai là, các doanh nghiệp hợp tác kết nối với trường đại học thông qua việc tham gia xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo. Nhằm thiết kế nội dung kiến thức giảng dạy gắn liền với yêu cầu thực tiễn của xã hội, cơ sở đào tạo tích cực mời các doanh nghiệp cùng tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng, hiệu chỉnh và cập nhật nhiều chương trình, học phần.

Ba là, nhà trường đồng thời tổ chức những chương trình hướng nghiệp, ngày hội việc làm, buổi tham quan thực tế, hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng “thực chiến”, khả năng cọ xát của người học trong môi trường làm việc thực tiễn.

Song phải quan tâm đến phương châm: "Hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần phải dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cùng nhau tạo ra hệ sinh thái lành mạnh thúc đẩy cho sự phát triển”, Thạc sĩ Chu Văn Tuấn nhấn mạnh.

Về phía các trường đại học, lợi ích mà doanh nghiệp đem đến cho cơ sở đào tạo là góp phần tạo dựng môi trường học tập tốt, chương trình đào tạo tiên tiến, người học có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Ngược lại, về phía các doanh nghiệp, khi tham gia hợp tác với trường đại học, cơ sở đó tuyển dụng được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo đáp ứng được ngay nhu cầu công việc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các chuyên gia khoa học, nhà nghiên cứu của trường trong những hoạt động hợp tác như cùng trao đổi, nghiên cứu, đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn đang gặp phải, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cụ thể hiện nay, Trường Đại học Điện lực đang hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Điều đó cho thấy mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Trường Đại học Điện lực ngày càng được đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác này được tạo dựng, lan tỏa qua nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa khác nhau như: Hội nghị kết nối đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học; Ngày hội việc làm thường niên;...

Gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu khách quan, là xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện định hướng mang tính thực tiễn của các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Điện lực và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực khẳng định.

Đáng chú ý, vừa qua, nhà trường đã công bố quyết định thành lập Ban điều hành mạng lưới doanh nghiệp và Ban điều hành mạng lưới cựu sinh viên. Đây là mốc son quan trọng cho định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, mong muốn việc hợp tác được rộng hơn, sâu hơn và lan tỏa nhiều hơn tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 Năm 2024, Trường Đại học Điện lực tổ chức Ngày hội việc làm kỹ sư Nhật Bản thu hút hơn 30 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản giúp hỗ trợ kết nối cho sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp của nhà trường có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Ảnh: NTCC.

Năm 2024, Trường Đại học Điện lực tổ chức Ngày hội việc làm kỹ sư Nhật Bản thu hút hơn 30 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản giúp hỗ trợ kết nối cho sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp của nhà trường có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Ảnh: NTCC.

Chị Lê Thị Hải Yến - tư vấn viên đại diện cho Công ty Cổ phần MSP International cho biết, Trường Đại học Điện lực tổ chức ngày hội việc làm thường niên là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cao. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên dễ dàng tiếp cận đến các nơi tuyển dụng.

Hoạt động liên kết này tại các trường đại học từ lâu luôn giành được sự quan tâm và thu hút đặc biệt từ phía các doanh nghiệp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể tìm kiếm được những ứng viên có chất lượng cao, được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành, có ý thức trách nhiệm, tinh thần cầu thị và đang tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho tổ chức.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có cơ hội hiểu thêm về nhà trường, tạo dựng nhiều cơ sở để xây dựng và thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài trong tương lai, tạo ra sự phát triển bền vững của cả đôi bên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.

Bàn về những mặt thuận lợi và thách thức của việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, Thạc sĩ Chu Văn Tuấn cho hay: Xét về những mặt thuận lợi, hiện nay, ngày càng nhiều tổ chức doanh nghiệp, công ty, đoàn thể nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các trường đại học. Những hoạt động này gọi là “trách nhiệm xã hội” của mỗi doanh nghiệp. Từ đó đôi bên cùng nhau thúc đẩy và phát triển dựa trên nguyên tắc chung.

Hơn nữa, hiện nay, Trường Đại học Điện lực còn có hệ thống mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, các cựu sinh viên thành công đã tích lũy được cho mình vốn kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn, sẽ có thể quay trở lại hỗ trợ nhà trường.

Từ đó, việc triển khai hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ trở nên bài bản, đồng bộ và chuyên nghiệp hơn. Đó là cơ hội để chúng ta tạo ra một môi trường hệ sinh thái lành mạnh, tích cực, tối ưu hiệu quả vượt trội.

Xét về một số khó khăn, thách thức lớn nhất của các trường đại học nước ta nói chung cũng như Trường Đại học Điện lực nói riêng là phải làm sao để xác định được mối liên kết hợp tác đảm bảo đôi bên đều có lợi. Nếu như chỉ dừng lại ở phía cơ sở đào tạo có lợi, thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy chưa đạt được hiệu quả trong hoạt động hợp tác này.

Thứ hai, doanh nghiệp phải tập trung ưu tiên vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và nghiệm thu đánh giá cuối cùng dựa trên hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch hợp tác phù hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được chuẩn bị hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng và chu đáo.

Thứ ba, trong quá trình các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo ở một số mô-đun, những học phần liên quan chủ yếu đến thực tập, thực hành rất được các doanh nghiệp quan tâm, hào hứng và nhiệt tình xây dựng.

Tuy nhiên, ở một số học phần liên quan nhiều đến kiến thức lý thuyết, việc tham gia giảng dạy hay góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo sẽ ít được các doanh nghiệp sát sao hơn. Trên thực tế, việc mời tham gia giảng dạy sẽ gây khó cho đại diện một số doanh nghiệp hoặc chuyên gia vì phải “ngốn” nhiều thời gian để chuẩn bị giáo án và bài giảng lên lớp.

Thứ tư, mạng lưới kết nối doanh nghiệp của nhà trường rất rộng lớn, nếu như chúng ta không phát huy được hiệu quả tối ưu thông qua các chương trình, hoạt động để duy trì, tạo dựng hệ sinh thái thì các doanh nghiệp tham gia hợp tác sẽ dần dần dễ cảm thấy nhàm chán.

Để khắc phục vấn đề này, giải pháp mà các trường cần thực hiện là đẩy mạnh kết nối hơn nữa giữa nhà trường, doanh nghiệp và cựu sinh viên. Thậm chí, cơ sở đào tạo cũng nên tổ chức những hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong hệ thống mạng lưới với nhau, vừa để thúc đẩy thêm nhiều mối quan hệ, vừa làm gia tăng cơ hội hợp tác của hệ sinh thái doanh nghiệp trong tương lai.

“Nhà nước nên có những chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong việc trợ cấp, ưu đãi về cơ chế thuế hoặc thực hiện cách tính điểm cộng đối với những doanh nghiệp nào có đóng góp tích cực cho hoạt động cộng đồng nhằm khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội”, thầy Tuấn kiến nghị.

Không chỉ đào tạo thứ nhà trường có, mà còn đào tạo những gì doanh nghiệp cần

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực cho hay: Một thực trạng còn tồn tại trong thực tiễn hiện nay là doanh nghiệp còn phải đào tạo lại sinh viên sau khi tốt nghiệp ở một số trường đại học. Có thể nói, đây là niềm trăn trở của giảng viên từ nhiều trường đại học.

Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể thích ứng và bắt kịp vào công việc được ngay.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận các bạn sinh viên chưa thực sự đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp, chưa hoàn thành tốt việc trau dồi kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng mềm và phải mất một khoảng thời gian nhất định để theo kịp guồng quay công việc tại doanh nghiệp.

Để rút ngắn thời gian cho quá trình học việc này, các bạn sinh viên cần cố gắng trau dồi những kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy nền tảng kiến thức vững chắc, rèn luyện thêm ngoại ngữ, có thái độ cầu thị và tác phong làm việc chuyên nghiệp,... Đây sẽ là những điểm mạnh cho người học đáp ứng yêu cầu công việc trong thực tế.

Trường Đại học Điện lực cũng như các cơ sở giáo dục khác luôn nỗ lực “đồng bộ hóa” chất lượng đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và các bạn sinh viên với mong muốn người học sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có thể rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp.

 Hiện nay, nhiều tổ chức doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với trường đại học như “trách nhiệm xã hội” để đôi bên cùng thúc đẩy và phát triển dựa trên nguyên tắc chung. Ảnh: NTCC.

Hiện nay, nhiều tổ chức doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với trường đại học như “trách nhiệm xã hội” để đôi bên cùng thúc đẩy và phát triển dựa trên nguyên tắc chung. Ảnh: NTCC.

Trường Đại học Điện lực luôn cố gắng tạo điều kiện mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên có thể kết nối với nhiều doanh nghiệp đa dạng khác nhau. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng sẵn sàng đến với nhà trường để giao lưu, tiếp cận và trao đổi trực tiếp với các bạn sinh viên.

Trên thực tế, nhà trường đang kết nối hợp tác với rất nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản - một thị trường lao động chuyên nghiệp và đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao.

Hằng năm, mỗi doanh nghiệp luôn đặt hàng nhà trường theo những tiêu chí riêng; sẵn sàng mở ra nhiều cơ hội để chào đón sinh viên tới tham quan, thực tập và làm việc.

Đặc biệt, hiện nay, Trường Đại học Điện lực đang triển khai mô hình vừa học vừa làm. Những bạn sinh viên năm ba, năm tư được trực tiếp tới các doanh nghiệp để tham gia thực tập và làm việc trong quá trình sản xuất và kinh doanh, đồng thời tổ chức doanh nghiệp đó cũng trả lương lao động cho người học.

Hoạt động này giúp cho sinh viên hình thành được kỹ năng nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, học hỏi tổ chức công việc, không còn bỡ ngỡ sau khi ra trường và có thể bắt nhịp ngay được môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp.

“Nhà trường luôn cố gắng đưa các bạn sinh viên tiếp cận với các doanh nghiệp từ sớm để tham quan, trải nghiệm, học hỏi, làm quen và thực tập. Từ đó, người học sẽ tự nhận thấy được bản thân mình cần phải chuẩn bị thêm ở những khía cạnh gì, rèn luyện như thế nào để phù hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trường Đại học Điện lực cũng đánh giá rất cao tinh thần khởi nghiệp của các bạn sinh viên tại các trường đại học. Cơ sở đào tạo luôn cố gắng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở người học theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước dựa trên Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Với nhiệm vụ này, nhà trường đã kết nối được rất nhiều nguồn lực từ các chuyên gia, các doanh nghiệp để hình thành nhóm khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực nhận thấy rằng, các em sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường nếu như được tiếp cận, tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về cuộc thi ý tưởng sáng tạo hoặc những diễn đàn khởi nghiệp thì sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp ở người học.

Để hỗ trợ và phát triển điều này, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều khóa đào tạo không chỉ cho các em sinh viên mà còn cho cán bộ, giảng viên, người hướng dẫn. Những cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được coi là các “sân chơi” cho sinh viên trong quá trình theo học tại trường.

Có thể thấy, đây thật sự là những nền tảng cơ bản cần có ở mỗi sinh viên trước khi ra trường. Bởi trong tương lai, khi người học đã trau dồi được đầy đủ kinh nghiệm, tạo dựng được mối quan hệ và có vốn, thì các em hoàn toàn có cơ hội và khả năng bắt tay vào khởi nghiệp. Khi đó, người học phần nào sẽ tránh được rủi ro không đáng có, nhờ vào những kiến thức đã tích lũy được khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Em Trịnh Tuấn Đạt - sinh viên D17 chuyên ngành Tự động hóa và điều khiển thiết bị điện công nghiệp, Trường Đại học Điện lực chia sẻ: Trong thời đại phát triển internet như hiện nay, sinh viên có thể tra cứu trên mạng để tìm kiếm nguồn tuyển dụng, tuy nhiên lượng thông tin này rất lớn và khó chọn lọc, có thể khiến người học cảm thấy bối rối.

Trong khi đó, nếu các sinh viên được gặp trao đổi trực tiếp qua những hoạt động, chương trình hợp tác doanh nghiệp có sự quản lý của nhà trường, người học sẽ được tìm hiểu, tư vấn cặn kẽ, giải đáp kỹ lưỡng hơn về những thắc mắc theo nhu cầu của từng người.

"Hơn nữa, vào năm 3, năm 4, chúng em có thể được vừa thực tập làm việc, vừa trau dồi kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Đó là thời gian quý báu mà sinh viên được thích nghi môi trường thực tiễn, được đào tạo bài bản các kỹ năng và có động lực thúc đẩy phát triển bản thân hơn", Đạt cho biết.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hop-tac-nha-truong-va-doanh-nghiep-lam-sao-de-hai-ben-cung-co-loi-post243623.gd