Hàn Quốc: Đình công toàn quốc vô thời hạn, phe đối lập thông qua dự luật luận tội Tổng thống, Mỹ cảnh báo khẩn, ai đứng sau lệnh thiết quân luật?

Tình hình căng thẳng ở chính trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng khi phe đối lập quyết định tiến hành bước tiếp theo trong việc theo đuổi luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông ban bố rồi bãi bỏ thiết quân luật.

Các nhà lập pháp của 6 đảng thuộc phe đối lập đệ trình dự luật luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên Văn phòng dự luật tại Quốc hội ở Seoul vào ngày 4/12.

Các nhà lập pháp của 6 đảng thuộc phe đối lập đệ trình dự luật luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên Văn phòng dự luật tại Quốc hội ở Seoul vào ngày 4/12.

Báo The Korea Herald cho hay, phe đối lập gồm 6 đảng: Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc, Đổi mới tổ quốc, Cải cách mới, Tiến bộ, Thu nhập cơ bản và Dân chủ xã hội, đã đệ trình dự luật luận tội Tổng thống trong phiên họp Quốc hội chiều 4/12.

Dự luật nhận được sự ủng hộ của toàn bộ 191 nghị sĩ đối lập. Không có nghị sĩ nào của đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền tham gia.

Dự kiến, đảng DP sẽ báo cáo về dự luật luận tội Tổng thống Yoon lên phiên họp toàn thể của Quốc hội vào sáng 5/12. Theo quy định, sau 24h kể từ khi được báo cáo, Quốc hội sẽ phải triệu tập phiên họp để thông qua dự luật luận tội trong 72h.

Luật pháp Hàn Quốc quy định, dự luật luận tội Tổng thống chỉ được thông qua với sự chấp thuận của ít nhất 2/3 trong tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội nước này. Như vậy, cần một số ít nghị sĩ của đảng cầm quyền ủng hộ dự luật thì việc luận tội tổng thống mới có thể tiến hành.

Theo nghị sĩ Park Seong Joon, lãnh đạo cấp cao của đảng DP tại Quốc hội, với lộ trình trên, nhiều khả năng việc thông qua dự luật luận tội Tổng thống sẽ diễn ra sớm nhất ngay trong tuần này.

Trong bối cảnh đó, hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Liên hiệp Công đoàn nước này (KCTU) đã thông báo trên trang web chính thức về việc tiến hành cuộc đình công toàn quốc vô thời hạn cho đến khi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, bắt đầu từ ngày 4/12.

Vào ngày 5/12, công nhân của Công ty đường sắt lớn nhất Hàn Quốc KORAIL cũng sẽ đình công vô thời hạn, yêu cầu tăng lương. Sự kiện này đã được lên kế hoạch trước khi thiết quân luật được công bố và các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại Seoul.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Han Deok Soo, lãnh đạo của đảng PPP cầm quyền Han Dong Hoon và các quan chức cấp cao Văn phòng Tổng thống đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp vào chiều 4/12 để bàn các vấn đề cấp bách cần giải quyết sau việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố và dỡ bỏ lệnh thiết quân luật.

Theo các nguồn tin, cuộc họp sẽ thảo luận việc từ chức của toàn bộ nội các liên quan việc áp đặt tình trạng thiết quân luật.

Trong khi đó, lãnh đạo PPP Han Dong Hoon đã yêu cầu Tổng thống Yoon "nên trực tiếp giải thích tình hình nghiêm trọng này và nghiêm trị những người chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc sa thải ngay lập tức Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, người đề xuất áp đặt thiết quân luật".

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban bố lệnh thiết quân luật vào khoảng 22h30 đêm 3/12. Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, rạng sáng 4/12, Tổng thống đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật.

Sau sự cố gây náo loạn này, nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Yoon đã đồng loạt từ chức, trong đó có Chánh Văn phòng Tổng thống Chung Jin Suk, Cố vấn An ninh quốc gia Shin Won Sik, cũng như 7 trợ lý cấp cao.

Trong động thái mới nhất, ngày 4/12, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp đối với công dân nước này, yêu cầu họ lường trước tình hình bất ổn, chú ý khi ở nơi công cộng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn.

Đại sứ quán khuyến cáo công dân Mỹ tránh xa các khu vực biểu tình và thận trọng gần "đám đông lớn tụ tập, biểu tình hoặc tuần hành", đồng thời cảnh báo thêm rằng, các cuộc biểu tình ôn hòa có thể biến thành đối đầu và leo thang thành bạo lực.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/han-quoc-dinh-cong-toan-quoc-vo-thoi-han-phe-doi-lap-thong-qua-du-luat-luan-toi-tong-thong-my-canh-bao-khan-ai-dung-sau-lenh-thiet-quan-luat-296106.html