Hàn Quốc đối mặt khoảng trống quyền lực
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị đình chỉ nhiệm vụ trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc
Chiều 14-12, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội lần thứ 2 đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan đến việc ban bố thiết quân luật đêm 3-12, một quyết định đã bị quốc hội bác bỏ vào rạng sáng 4-12 và bị dỡ bỏ chỉ sau 6 giờ áp đặt.
Kiến nghị luận tội được thông qua với số phiếu 204 thuận - 85 chống, cùng với 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ. Điều này đồng nghĩa với việc có một số nhà lập pháp từ Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon ủng hộ kiến nghị này, bất chấp trước cuộc bỏ phiếu PPP đã tuyên bố phản ứng chung là chống lại việc luận tội.
Tất cả 300 thành viên quốc hội Hàn Quốc tham gia lần bỏ phiếu này, trái với cuộc bỏ phiếu hôm 7-12 phải hủy bỏ vì sự tẩy chay của 105/108 nhà lập pháp PPP.
Kiến nghị luận tội lần 2 được sửa đổi từ bản kiến nghị hôm 7-12, thêm và bớt một số cáo buộc. Trong số những điều được thêm vào có cáo buộc ông Yoon đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắt giữ các nhà lập pháp, điều mà một số quan chức thực thi thiết quân luật đã thừa nhận.
Theo Yonhap, ông Yoon bị đình chỉ chức vụ ngay sau khi nghị quyết luận tội được chuyển đến văn phòng của ông và Thủ tướng Han Duck-soo trở thành quyền tổng thống cho đến khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết phục chức hay cách chức ông Yoon.
Thủ tướng Han Duck-soo tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm nhà nước vận hành ổn định và ra lệnh cho quân đội tăng cường thế trận an ninh.
Theo Reuters, vị quyền tổng thống 75 tuổi này là nhà kỹ trị dày dạn kinh nghiệm. Ông Han đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong hơn 3 thập niên dưới thời 5 tổng thống khác nhau, bao gồm đại sứ tại Mỹ, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng thương mại, thư ký tổng thống, thủ tướng…
Với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ), ông Han giữ chức thủ tướng kể từ khi nhiệm kỳ của ông Yoon bắt đầu vào năm 2022. Trước đó, ông làm thủ tướng giai đoạn 2007-2008 dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun.
Theo luật, phiên tòa luận tội tổng thống có thể kéo dài tới 180 ngày, song quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 14-12 tuyên bố sẽ đưa ra phán quyết nhanh chóng và công bằng.
Nếu Tòa án Hiến pháp quyết định cách chức ông Yoon, ông sẽ trở thành tổng thống thứ 2 bị phế truất sau cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Trong trường hợp này, một cuộc bầu cử tổng thống bất thường sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày kể từ phán quyết.
Phát biểu ngay sau quyết định của quốc hội, ông Yoon Suk-yeol thề sẽ "làm hết sức mình cho đến cùng" vì đất nước. "Mặc dù hiện tại tôi phải tạm dừng nhưng hành trình của tôi cùng người dân hướng tới tương lai trong suốt 2 năm rưỡi qua sẽ không dừng lại" - ông Yoon nói trong bài phát biểu được ghi hình từ tư dinh.
Theo Yonhap, bên cạnh tiến trình luận tội, ông Yoon cũng phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý gay gắt để bảo vệ sắc lệnh thiết quân luật và nhiều cuộc điều tra về cáo buộc nổi loạn. Luật hình sự của Hàn Quốc quy định rằng các tội nổi loạn - có thể bị phạt tử hình hoặc tù chung thân - không được hưởng quyền miễn trừ của chức vụ tổng thống.
Ngoài ông Yoon, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Yong-hyun, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lee Sang-min, Tham mưu trưởng Lục quân kiêm tư lệnh thiết quân luật Park An-su, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji-ho, Chỉ huy Bộ Tư lệnh phòng thủ thủ đô Lee Jin-woo… cũng đang bị điều tra.
Quân đội trấn an
Việc Tổng thống Yoon Suk-yeol bị quốc hội luận tội đã làm dấy lên lo ngại về khả năng sẵn sàng của quân đội Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Quyền lực của ông Yoon sẽ được chuyển giao cho Thủ tướng Han Duck-soo. Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho hiện đảm nhận vai trò quyền Bộ trưởng Quốc phòng sau khi ông Kim Yong-hyun từ chức và bị bắt sau đó.
Như vậy, quân đội Hàn Quốc sắp tới do một quyền tổng thống và một quyền bộ trưởng quốc phòng lãnh đạo trong lúc đối mặt khoảng trống chưa từng có trong ban lãnh đạo cấp cao. Theo Yonhap, một loạt tướng lĩnh đã bị đình chỉ nhiệm vụ, trong đó có tư lệnh Lục quân, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Phòng thủ thủ đô và Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt.
Tình hình này đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng sẵn sàng phòng thủ của Hàn Quốc. Một nỗi lo khác là Triều Tiên có thể đánh giá giới lãnh đạo quân sự Hàn Quốc đang có khoảng trống, từ đó "có hành động leo thang căng thẳng".
Trong nỗ lực trấn an dư luận, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc hôm 13-12 nhấn mạnh hầu hết đơn vị có chỉ huy bị đình chỉ chủ yếu được giao nhiệm vụ chống khủng bố, không liên quan đến lực lượng tuyến đầu. Ngoài ra, tướng Paul LaCamera, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên hợp Hàn Quốc - Mỹ, hôm 12-12 khẳng định lực lượng này vẫn sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa bên ngoài.
Hoàng Phương
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/han-quoc-doi-mat-khoang-trong-quyen-luc-196241214200944567.htm