Nguyên nhân và hệ quả chính trị

Chiều ngày 14.12, phe đối lập Hàn Quốc đã thành công thúc đẩy Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, đưa ông trở thành vị tổng thống thứ ba bị luận tội trong lịch sử Hàn Quốc. Kiến nghị luận tội được thông qua với 204 phiếu thuận, 85 phiếu chống, 3 phiếu trắng và 8 phiếu không hợp lệ trong tổng số 300 phiếu. Như vậy có tới 13 nghị sĩ đảng cầm quyền bỏ phiếu chống lại Tổng thống Yoon. Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và quyết định này ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của đất nước.

 Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi người dân vì quyết định thiết quân luật. Nguồn: Yonhap

Tổng thống Yoon Suk Yeol xin lỗi người dân vì quyết định thiết quân luật. Nguồn: Yonhap

Sắc lệnh thiết quân luật

Nguồn cơn của những diễn biến bất ổn trên chính trường Hàn Quốc là sắc lệnh thiết quân luật mà Tổng thống ban hành. Vào đêm ngày 3.12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật với với lý do để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ các lực lượng "chống nhà nước" trong bối cảnh ông đang gặp khó khăn để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình trong một Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Mặc dù 6 tiếng sau, tình trạng thiết quân luật đã được dỡ bỏ sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu vô hiệu hóa sắc lệnh này, song sự việc đã làm dấy lên sự bất bình của phe đối lập tại Quốc hội Hàn Quốc cũng như trong dân chúng. Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật trong vòng 44 năm qua.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đối mặt với lời kêu gọi từ chức ngay lập tức hoặc bị luận tội, vài giờ sau khi ông chấm dứt lệnh thiết quân luật trong thời gian ngắn khiến quân đội bao vây Quốc hội.

Phe đối lập đang nắm đa số trong Quốc hội gồm 300 ghế, gọi quyết định của Tổng thống là "vi hiến" và yêu cầu Tổng thống hoặc phải từ chức, hoặc phải đối mặt với thủ tục luận tội. Hiến pháp Hàn Quốc nêu rõ thiết quân luật dành riêng cho thời chiến hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự khi an toàn công cộng bị đe dọa. Và để ban bố thiết quân luật, tổng thống sẽ phải triệu tập họp nội các trước và thông báo cho cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, ông Yoon Suk Yeol đã tự ban bố thiết quân luật mà không hề có những cân nhắc trên.

Hiến pháp Hàn Quốc cho phép Quốc hội đề xuất luận tội nhằm vào tổng thống hoặc các quan chức cấp cao nếu họ "vi phạm hiến pháp hoặc vi phạm bất kỳ luật nào trong quá trình làm việc".

Hai lần bỏ phiếu luận tội

Với căn cứ này, vào ngày 4.12, đảng Dân chủ đối lập chính và 5 đảng đối lập nhỏ đã nộp kiến nghị luận tội đầu tiên nhằm vào Tổng thống lên Quốc hội. Kiến nghị luận tội đã được 190 nhà lập pháp đối lập ký tên mà không có sự ủng hộ từ bất kỳ nhà lập pháp nào của đảng cầm quyền.

Ngày 7.12, Quốc hội Hàn Quốc đã triệu tập phiên toàn thể để bỏ phiếu thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, sau khoảng 4 tiếng bỏ phiếu tại hội trường, kiến nghị luận tội bị hủy bỏ do không đủ số đại biểu. Các nghị sĩ đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền đã tẩy chay buổi bỏ phiếu bằng cách rời khỏi hội trường Quốc hội. Chỉ có 3 nghị sĩ của PPP ở lại.

Không chấp nhận sau thất bại lần đầu tiên, phe đối lập cho biết họ sẽ trình kiến nghị luận tội “hàng tuần”. Và ngày 14.12, Quốc hội Hàn Quốc họp phiên toàn thể lần thứ hai để bỏ phiếu và đã thành công trong nỗ lực luận tội Tổng thống khi kiến nghị giành được trên 200 phiếu ủng hộ.

Để kiến nghị luận tội được thông qua, Quốc hội phải thông qua với ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ bỏ phiếu thuận. Quốc hội Hàn Quốc hiện có 300 ghế, trong đó phe đối lập đang nắm 191 ghế, còn đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền kiểm soát 108 ghế, một ghế còn lại là nghị sĩ độc lập. Như vậy, phe đối lập đã có được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng cầm quyền đối với quyết định luận tội.

Câu hỏi đối với Tòa án Hiến pháp

Theo quy định của Đạo luật Tòa án Hiến pháp, sau khi kiến nghị luận tội được thông qua, quyết định này sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp để xem xét. Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định liệu Tổng thống Yoon có vi phạm các tội danh mà Quốc hội cáo buộc và liệu những vi phạm đó có đủ nghiêm trọng để luận tội hay không. Nếu ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ, ông Yoon sẽ bị phế truất.

Tuy nhiên, quá trình này có thể bị cản trở bởi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hiện chỉ có 6 thẩm phán, do 3 người đã nghỉ hưu hồi tháng 10 mà chưa có ứng cử viên kế nhiệm. Cơ quan này đã bỏ quy định cần tối thiểu 7 thẩm phán để xử lý các vụ kiện, nhưng chưa rõ có áp dụng với trường hợp luận tội tổng thống hay không.

Nếu quy định cần ít nhất 7 thẩm phán để phán quyết về đề xuất luận tội tổng thống được duy trì, Tòa án Hiến pháp cần chờ đến khi Quốc hội phê chuẩn ít nhất một thẩm phán mới để tiến hành bỏ phiếu. Và nếu Tòa án chấp thuận phán quyết có tội, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị cách chức thông qua luận tội sau cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.

Tổng thống đầu tiên bị bắt giữ?

Trước đó, vào ngày 10.12, khi phe đối lập đã thúc đẩy Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt giữ khẩn cấp Tổng thống Yoon Suk Yeol và 7 nhân vật chủ chốt khác bị tình nghi liên quan đến vụ ban bố tình trạng thiết quân luật.

Những diễn biến mới nhất làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Yoon có bị bắt giữ để điều tra hay không? Trong lịch sử Hàn Quốc, chưa từng có tổng thống nào bị bắt khi đương chức. Một trong các lý do là bởi tổng thống được bảo vệ bởi Điều 84 trong Hiến pháp (sửa đổi năm 1987), theo đó: "Tổng thống không bị buộc tội hình sự trong thời gian tại nhiệm, ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc". Tuy nhiên, ông Yoon đang đối mặt với ít nhất 3 cuộc điều tra của ba cơ quan lớn, liên quan lệnh thiết quân luật ông ban bố. Ông bị cáo buộc tội nổi loạn và đã bị cấm xuất cảnh, điều chưa từng xảy ra với một tổng thống tại vị.

Theo Điều 200 của Đạo luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc, có thể bắt giữ "bất kỳ nghi phạm hình sự nào phạm các tội có thể bị phạt tử hình; tù có lao động không xác định thời hạn; tù có hoặc không có lao động trên ba năm" và trong trường hợp nghi phạm có khả năng tiêu hủy bằng chứng, trốn chạy. Còn theo Điều 87 của Đạo luật Hình sự, các hình phạt cho hành vi lãnh đạo, tham gia hoặc chỉ huy nổi loạn bao gồm tử hình và tù chung thân. Chiếu theo các điều trên, về lý thuyết, một tổng thống đương nhiệm bị tình nghi nổi loạn có thể bị bắt để điều tra nếu áp dụng nghiêm ngặt các bộ luật đang có hiệu lực.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguyen-nhan-va-he-qua-chinh-tri-post399321.html