Hàn Quốc đối phó nguy cơ kinh tế đình trệ

Kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn lớn khi các chỉ số công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đều giảm sâu và Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) cảnh báo rằng nền kinh tế trong tương lai có khả năng cao sẽ đình trệ. Chính phủ Hàn Quốc đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phục hồi tăng trưởng.

Ảnh minh họa: Người dân đi bộ tại khu mua sắm Myeongdong, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/5/2020. (Nguồn: REUTERS)

Ảnh minh họa: Người dân đi bộ tại khu mua sắm Myeongdong, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/5/2020. (Nguồn: REUTERS)

Trong báo cáo vừa công bố về xu hướng kinh tế Hàn Quốc tháng 12, KDI nhận định nền kinh tế Xứ sở kim chi trong tương lai có khả năng cao sẽ đình trệ bởi nợ hộ gia đình và chỉ số lòng tin của doanh nghiệp đang xấu đi trong bối cảnh xuất khẩu giảm do kinh tế toàn cầu khủng hoảng khiến lãi suất liên tục tăng.

Số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp và xuất khẩu những tháng gần đây cho thấy kinh tế Hàn Quốc đang tăng trưởng yếu. Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố, sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm 1,5% so với tháng 9, mức giảm sâu nhất trong vòng 30 tháng, kể từ sau tháng 4/2020, thời kỳ đầu bùng phát đại dịch Covid-19.

Thống kê cho thấy lĩnh vực tiêu dùng của Hàn Quốc cũng bị đình trệ. Doanh số bán lẻ sau khi vực dậy thành công vào tháng 8 lại giảm 0,2% trong tháng này, hai tháng giảm liên tiếp sau tháng 9. Trong khi đó, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 của nước này chỉ đạt 51,9 tỷ USD, giảm tới 14% so với một năm trước.

Trong năm nay, xuất khẩu của Hàn Quốc đã duy trì được đà tăng trưởng tới tháng 9, nhưng chuyển sang xu hướng giảm vào tháng 10, lần này là tháng thứ hai liên tiếp giảm do kinh tế toàn cầu đình trệ.

Về lĩnh vực tài chính, các chuyên gia của KDI lo ngại thị trường vốn ngắn hạn của Hàn Quốc đang tiếp tục bất ổn, mặc dù lãi suất trên thị trường giảm và giá cổ phiếu tăng nhờ tâm lý kỳ vọng lãi suất cơ bản trong và ngoài nước được điều chỉnh giảm. Các chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng, kinh tế nửa cuối năm chịu áp lực lớn hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước lớn, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kéo dài.

Trước những thách thức nêu trên, Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai các biện pháp quyết liệt để ổn định tài chính, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải thiện thị trường lao động... để vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Tại cuộc họp quyết định về lãi suất cơ bản cuối cùng trong năm 2022, Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định nâng tiếp 0,25% lãi suất cơ bản. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử BOK nâng lãi suất 6 lần liên tiếp. Theo đó, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc tăng lên thành 3,25%/năm. Quyết định nâng lãi suất nêu trên là nhằm ổn định giá tiêu dùng, trong bối cảnh giá tiêu dùng tháng 10 vừa qua tăng 5,7%, vẫn duy trì ở ngưỡng cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo thêm động lực tăng trưởng kinh tế. Đài KBS cho biết, Hàn Quốc sẽ nới lỏng các quy định về nhập khẩu xe điện, hóa chất và các danh mục khác trong nỗ lực thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài. Đây là một phần trong 40 biện pháp lớn mà Chính phủ Hàn Quốc đề ra để điều chỉnh các quy định về nhập khẩu và đầu tư.

Trong chín tháng năm nay, vốn FDI cam kết đầu tư vào Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 21,52 tỷ USD nhờ tăng trưởng mạnh về đầu tư vào các ngành tiên tiến như chip và pin. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã nỗ lực thực hiện các biện pháp mở cửa nền kinh tế đồng thời với chống dịch Covid-19. Theo đó, thị trường lao động đã được cải thiện đáng kể. BOK ngày 9/12 công bố báo cáo "Đánh giá tình hình tuyển dụng và xu hướng tiền lương" và cho biết, số lao động có việc làm sẽ tăng 820.000 người trong năm nay. Trong đó 418.000 lao động có việc làm là do hiệu ứng "re-opening", tức nhờ hoạt động kinh tế được nối lại sau đại dịch Covid-19.

Một số tín hiệu tích cực gần đây cho thấy dường như nền kinh tế của Xứ sở kim chi đã bắt đầu thấy chút "ánh sáng cuối đường hầm" khi sản xuất ngành dịch vụ đang tiếp tục xu thế tăng, tình hình đầu tư được cải thiện... Tuy nhiên, những điểm sáng nhỏ nhoi nêu trên vẫn chưa thể bảo đảm bức tranh kinh tế của Hàn Quốc tươi sáng hơn trong năm 2023.

TRUNG KIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/han-quoc-doi-pho-nguy-co-kinh-te-dinh-tre-post729156.html