Hàn Quốc đưa bất thành vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa nội địa
Hàn Quốc đã thất bại trong việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo hôm thứ Năm (21/10), vỡ mộng trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới đạt được cột mốc quan trọng bằng công nghệ của riêng mình.
Tổng thống Moon Jae-in nói rằng tên lửa ba tầng Nuri không thể đạt quỹ đạo, mặc dù nó đã bay cao tới 700 km vào vũ trụ sau khi cả ba tầng của nó tách thành công.
Tên lửa Nuri của Hàn Quốc, tên lửa không gian được phát triển trong nước đầu tiên của nước này, cất cánh từ bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, Hàn Quốc hôm thứ Năm (21/10)- Ảnh: Yonhap / Reuters
"Tôi rất tiếc vì chúng tôi không thể đạt được mục tiêu hoàn toàn, nhưng đó vẫn là một thành tích rất xuất sắc", ông Moon nói sau vụ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro trên đảo Oenarodo, cực nam của Hàn Quốc. "Chúng tôi có một nhiệm vụ chưa hoàn thành là đưa một vệ tinh giả vào quỹ đạo một cách an toàn".
Tên lửa Nuri mang theo một vệ tinh giả nặng 1,5 tấn được phóng lúc 5 giờ chiều từ Trung tâm vũ trụ Naro. Ban đầu, Nuri dự kiến phóng lúc 4 giờ chiều, nhưng đã bị trì hoãn một giờ để kiểm tra sự cố kỹ thuật trong bệ phóng.
Thất bại này sẽ giáng một đòn mạnh vào Hàn Quốc vốn có tham vọng về một kế hoạch phát triển không gian độc lập và đã hy vọng nó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tư nhân của nước này.
Hàn Quốc đã chi 2 nghìn tỷ won (1,7 tỷ USD) để phát triển Nuri - một dự án được thực hiện bởi 250 nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, phiên bản NASA của Hàn Quốc.
Hôm thứ Ba (19/10), Tổng thống Nhà Xanh cho biết nước này đặt mục tiêu phóng tên lửa đưa một nhà du hành thám hiểm mặt trăng vào năm 2030, nhưng có thể mất thêm một thời gian nữa để điều đó thành hiện thực.
Khi vụ phóng thất bại, Hàn Quốc đã mất cơ hội trở thành quốc gia thứ 10 có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng công nghệ của riêng mình và là quốc gia thứ bảy có thể đưa vệ tinh nặng hơn 1 tấn. Nước này đã phóng tên lửa vũ trụ đầu tiên vào năm 2013, nhưng tên lửa đó được phát triển với sự hợp tác của Nga.
Nga là quốc gia đầu tiên đạt được cột mốc này, phóng tên lửa vũ trụ vào năm 1958, tiếp theo là Mỹ vào năm sau đó. Những nước khác cũng đã thực hiện thành công bao gồm châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Israel, Iran và Triều Tiên.
Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết, hơn 300 công ty Hàn Quốc đã tham gia vào dự án Nuri. Họ bao gồm các công ty hàng không và kỹ thuật chủ chốt như Korea Aerospace Industries, Hanwha Aerospace và Hyundai Heavy Industries.
Chính phủ cho biết trong tương lai, các công ty tư nhân sẽ được giao những vai trò lớn hơn trong việc phát triển tên lửa.
Nguyễn Hoàng (Theo Nikkei, Reuters)