Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục buồn Covid-19, Campuchia lo 'thảm họa' dịp lễ cổ truyền
Hàn Quốc ngày 25/9 lần đầu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ vượt ngưỡng 3.000, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 25/9 ghi nhận 3.273 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 3.245 ca nhiễm ngoài cộng đồng, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 trong nước lên 298.402.
Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận thêm 7 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người tử vong lên 2.441. Tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm hiện tại ở nước này rơi vào khoảng 0,82%.
Theo Yonhap, sự gia tăng số ca dương tính với virus corona ở Hàn Quốc bị cho là xuất phát từ việc hàng triệu người về quê mừng lễ Chuseok (Trung thu) kéo dài từ ngày 20 đến 22/9. Các nhà chức trách đã khuyến cáo những người mới trở về nhà sau kỳ nghỉ lễ nên đi xét nghiệm Covid-19 ngay khi phát hiện những triệu chứng nhẹ nhất.
Đến ngày 24/9, 73,5% dân số Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, trong đó gần 45% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Singapore ngày thứ 5 liên tiếp vượt 1.000 ca nhiễm/ngày
Singapore đến trưa ngày 25/9 ghi nhận 1.443 ca nhiễm Covid-19 mới, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 1.000.
Trang tin Channel News Asia, dẫn thông báo từ Bộ Y tế Singapore (MOH), cho hay 1.424 trong số các ca nhiễm Covid-19 mới đều là các ca nhiễm ngoài cộng đồng, trong khi 19 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh.
Cùng ngày, MOH ghi nhận thêm 3 người tử vong bởi Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc lên 76. Tính riêng trong tháng 9, Singapore đã ghi nhận 21 ca tử vong bởi Covid-19, một kỷ lục mới theo tháng.
MOH cũng cho biết, 82% dân số Singapore đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19, trong khi 84% đã tiêm ít nhất một liều vắc xin tính đến ngày 24/9.
Trong buổi chiều ngày 25/9, Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore đã ra thông báo "không khuyến khích" những người từ 60 tuổi trở lên tham dự hoặc ủng hộ các hoạt động tôn giáo trong vòng 1 tháng tới, ngay cả khi họ đã được tiêm chủng đầy đủ.
Campuchia lo ngại “thảm họa” Covid-19 ở lễ Pchum Ben
Báo Khmer Times, dẫn tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 25/9, cảnh báo nếu không dừng tổ chức lễ Pchum Ben, “một thảm họa” sẽ xảy ra với đối với hệ thống y tế công cộng và đe dọa tính mạng của người dân nước này.
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, tính mạng và sức khỏe của mọi người là ưu tiên lớn nhất, và vẫn còn thời gian để tổ chức lễ Pchum Ben ở thời điểm khác. Ông cũng mong muốn sự thấu hiểu của người dân Campuchia đối với lãnh đạo đất nước khi phải đưa ra quyết định khó khăn này.
Pchum Ben (hay còn được gọi là Sen Dolta), là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt. Lễ Pchum Ben hàng năm thường được tổ chức trong suốt ba ngày, từ ngày 29/8 đến 1/9 theo âm lịch, tức từ ngày 5 đến 7/10 trong năm nay.
Ngày 25/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm Covid-19 mới trong nước vượt mức 800. Theo trang thống kê Worldometers, quốc gia này hiện ghi nhận tổng cộng trên 108.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2.200 ca tử vong.
Nhiều người Hà Lan phản đối hộ chiếu vắc xin bắt buộc
Hàng trăm người Hà Lan đã tổ chức biểu tình, phản đối việc áp dụng hộ chiếu vắc xin bắt buộc ở các quầy bar, nhà hàng, nhà hát và nhiều địa điểm công cộng khác.
Theo hãng thông tấn Reuters, những người biểu tình đã len lỏi trên khắp các đường phố ở thành phố Hague. Nhiều người mang theo loa phát nhạc cùng các biểu ngữ phản đối hộ chiếu vắc xin.
Dù được hầu hết người dân Hà Lan ủng hộ, song việc áp dụng hộ chiếu vắc xin bắt buộc tại một số địa điểm nhất định của chính phủ vẫn vấp phải không ít phản đối và chỉ trích, hầu hết đến từ những người làm trong các lĩnh vực khách sạn và nhà hàng.
Theo một khảo sát từ hiệp hội ngành khách sạn Horeca Nederland ở Hà Lan, hơn 40% quản lý quầy bar và nhà hàng không có kế hoạch bắt buộc khách hàng phải xuất trình hộ chiếu vắc xin. Hiệp hội cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, nhiều doanh nghiệp xem biện pháp này như một "công cụ" nhằm thúc đẩy việc tiêm chủng bắt buộc, và cảnh báo điều này sẽ gây thiệt hại cho các ngành dịch vụ sau khi dịch bệnh chấm dứt.
Trong một diễn biến liên quan, vài tiếng sau khi các biện pháp liên quan đến hộ chiếu vắc xin chính thức có hiệu lực, Thủ tướng Mark Rutte đã bất ngờ sa thải Thứ trưởng Kinh tế Mona Keijzer, vì phát biểu có phần hoài nghi của bà về tính chính đáng của những biện pháp trên.
Việt Anh