Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong vòng 3 tháng

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 87.000 ca vào ngày 20/12, mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy Hàn Quốc ghi nhận 87.559 ca nhiễm mới, trong đó có 74 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.302.474. Số bệnh nhân tử vong là 56 trường hợp, nâng số người chết lên 31.490 người. Tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 0,11%. Số bệnh nhân nguy kịch vẫn còn 519 người.

Hàn Quốc đã chứng kiến các ca nhiễm mới hằng ngày tăng đều trong vài tuần qua trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự tái bùng phát lây nhiễm trong mùa đông. Sự phục hồi của đường cong virus cũng đã gây áp lực buộc Chính phủ Hàn Quốc phải cân nhắc đến việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, quy định phòng dịch cuối cùng còn lại ở Hàn Quốc kể từ khi đại dịch này bùng phát mạnh gần 3 năm trước.

Theo kế hoạch, các cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc loại bỏ dần quy định trên bắt đầu từ tuần thứ ba của tháng 1/2023 song vẫn áp dụng đeo khẩu trang với một số ngoại lệ tại những nơi đông người như trên phương tiện giao thông công cộng và các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, hiện có một số chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc đưa ra “quyết định vội vàng” nên Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc đến phương án theo giai đoạn: chuyển dần từ “bắt buộc” sang “khuyến cáo” đeo khẩu trang trong không gian kín, sau đó mới dỡ bỏ hoàn toàn, ngoại trừ tại các phương tiện giao thông công cộng và các cơ sở y tế.

Theo kế hoạch này, các cơ quan giáo dục hoặc trụ sở cơ quan hành chính như trường học và nhà trẻ cũng sẽ nằm trong đối tượng được dỡ bỏ quy định ở giai đoạn I (trước hoặc sau Tết Nguyên đán 2023). Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang xem xét có nên đưa các địa điểm hay có người lớn tuổi lui tới, ví dụ như siêu thị, vào danh sách được phép tháo khẩu trang hay không.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/12, Hiệp hội khởi động nhanh điều trị COVID-19 đã lần đầu tiên chuyển giao lô Paxlovid - một loại thuốc điều trị COVID-19 đường uống mới do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất, đến Zambia.

Được thành lập vào tháng 9/2022, Hiệp hội khởi động nhanh điều trị COVID-19 hướng tới việc cung cấp loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 qua đường uống mới, có hiệu quả cao cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh cao tại 10 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Hiệp hội dự định sẽ phân phối 100.000 liệu trình thuốc do Pfizer tài trợ cho các quốc gia như Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria, Rwanda, Nam Phi, Uganda, Zambia, Zimbabwe ở châu Phi và Lào ở châu Á. Hiện nay, Paxlovid được đánh giá là thuốc điều trị COVID-19 đường uống hàng đầu nếu được sử dụng trong vòng vài ngày sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus này, giúp giảm tử vong, giảm các bệnh và triệu chứng kéo dài hậu COVID.

Tại Mỹ, theo báo cáo mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, liều tăng cường vắcxin COVID-19 thể lưỡng trị (bivalent) có thể tăng khả năng bảo vệ, giúp giảm số ca nhập viện hoặc phải điều trị tích cực.

Trước đó, hồi tháng 9, CDC Mỹ khuyến nghị tiêm liều tăng cường vắcxin mRNA COVID-19 thể lưỡng trị, có chứa thành phần chống lại các chủng BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron, giúp bảo vệ tốt hơn khỏi các làn sóng dịch mới nhất.

Theo cơ quan trên, khả năng miễn dịch của liều tăng cường bằng vắcxin đơn trị suy giảm dần, trong khi hiệu quả của vắcxin lưỡng trị cao hơn theo thời gian sau liều đơn trị trước đó. Cụ thể số liệu của CDC Mỹ cho thấy hiệu quả của liều tăng cường vắcxin lưỡng trị sau liều vắcxin đơn trị sẽ giúp giảm 57% nguy cơ nhập viện do COVID-19 so với không tiêm và giảm 47% so với liều đơn trị được tiêm trước đó hơn 11 tháng.

Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, bất chấp những dữ liệu khả quan này, việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vẫn rất hạn chế ở Mỹ khi chỉ 14% số người Mỹ đủ điều kiện tiêm (5 tuổi trở lên) đã đi tiêm liều tăng cường ngừa các biến thể của Omicron. CDC Mỹ khuyến nghị người dân tiếp tục tiêm vắcxin COVID-19, trong đó có việc tiêm liều tăng cường lưỡng trị nếu có thể.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/291542/han-quoc-ghi-nhan-so-ca-mac-covid-19-cao-nhat-trong-vong-3-thang.html