Hàn Quốc 'không ngồi yên' sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên
Hàn Quốc chuẩn bị phóng tên lửa Nuri tự phát triển trong ngày 21-10, động thái cho thấy các cường quốc toàn cầu đã có bước nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ có thể được sử dụng cho cả mục đích thương mại và quân sự.
Tổng thống Moon Jae-in dự kiến theo dõi vụ phóng tên lửa nhiên liệu lỏng 3 tầng mang theo một vệ tinh nặng 1,5 tấn lên độ cao từ 600 đến 800 km vào khoảng 12 giờ (giờ địa phương) từ Trung tâm Vũ trụ Naro. Hàn Quốc xem chương trình này nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong liên lạc 6G và giúp bao quát trên không trong bối cảnh Triều Tiên tăng cường kho vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Vụ phóng diễn ra vài tháng sau khi Mỹ dỡ bỏ các giới hạn trong việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1,8 tỉ USD vào dự án này kể từ năm 2010 trước khi ông Moon nhậm chức vào năm 2017.
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên hôm 21-10 cho rằng Mỹ phản ứng thái quá với vụ thử tên lửa gần đây và hoài nghi về sự chân thành của Mỹ về lời đề nghị đàm phán, đồng thời cảnh báo về những hậu quả.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết vụ thử tên lửa đạn đạo mới từ tàu ngầm trong tuần này là một phần trong kế hoạch trung và dài hạn của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ và không nhằm vào Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Người phát ngôn này cho rằng Washington đã có "các động thái khiêu khích thái quá" khi gọi vụ thử là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là mối đe dọa đối với hòa bình và sự ổn định của khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng "tiêu chuẩn kép" của Mỹ đối với việc phát triển tên lửa đã gây nghi ngờ về những tuyên bố của họ. Người này nhấn mạnh Mỹ và Hội đồng Bảo an có thể đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu lựa chọn sai lầm, đồng thời cảnh báo đừng "nghịch bom hẹn giờ".
Hội đồng Bảo an đã nhóm họp hôm 20-10 về vụ thử tên lửa của Triều Tiên theo yêu cầu của Mỹ và Anh. Đại sứ Mỹ cũng đã thúc giục Bình Nhưỡng chấp nhận các đề nghị đàm phán, tái khẳng định Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng.
Bà Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói trong cuộc họp: "Triều Tiên phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và đã đến lúc tham gia đối thoại bền vững và thực chất, hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi đã đề nghị gặp các quan chức Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện nào và chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không có ý định thù địch với Triều Tiên".
Bà Thomas-Greenfield cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia các hoạt động ngoại giao nghiêm túc và bền vững. Các thành viên Hội đồng châu Âu như Pháp, Estonia và Ireland cũng kêu gọi Triều Tiên hưởng ứng đề nghị đối thoại từ Mỹ và Hàn Quốc.