Hàn Quốc lần đầu tiên xuất hiện giảm phát

Tình trạng giảm phát xuất hiện lần đầu tiên tại Hàn Quốc phát đi tín hiệu về khó khăn tại những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế.

Tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc - một trong những quốc gia dẫn đầu về thương mại quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ - đã giảm xuống dưới ngưỡng 0% trong tháng 9, khi xuất khẩu của nước này tiếp tục kéo dài đà sụt giảm sang tháng thứ 10 liên tiếp.

Theo số liệu vừa được Cơ quan thống kê Hàn Quốc KOSTAT công bố hôm 1/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 của nước này tăng 0,4% so với tháng trước nhưng giảm 0,4% so với tháng 9/2018 (trước đó chỉ số này của tháng 8 là 0%).

Sức tiêu dùng yếu là một trong những nguyên nhân khiến giá tiêu dùng giảm

Sức tiêu dùng yếu là một trong những nguyên nhân khiến giá tiêu dùng giảm

Những con số này được công bố sau khi dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng giá hàng hóa tại Đức, một đầu tàu xuất khẩu khác, giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm qua.

“Giảm phát tại quốc gia phụ thuộc lớn vào hoạt động thương mại toàn cầu khiến những lo ngại về suy giảm toàn cầu dài hạn trở nên sâu sắc hơn”, Oh Suk-tae, chuyên gia kinh tế tại SG Securities, Seoul cho biết.

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung và đà suy giảm nhu cầu công nghệ đang tiếp tục phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu, với các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới nằm trong số những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bất chấp làn sóng kích thích kinh tế mới của các ngân hàng trung ương thông qua cắt giảm lãi suất, mau vào tài sản… nhu cầu toàn cầu suy yếu đang tạo áp lực lên lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh khi những nhà cung cấp thành phẩm và linh kiện toàn cầu liên tục hạ giá thành sản phẩm của mình.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc kiên quyết cho rằng mức giảm 0,4% trong giá cả hàng hóa vào tháng 9 vừa qua chỉ là tạm thời, có ít ý nghĩa và không phản ánh nguy cơ giảm phát thực tế, nhưng những con số mới nhất này có thể gia tăng áp lực buộc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phải hạ lãi suất một lần nữa.

Auustralia, quốc gia chủ yếu xuất khẩu hàng nguyên liệu sang các nền kinh tế khác, bao gồm cả Trung Quốc, vừa cắt giảm lãi suất vào sáng hôm qua, 1/10. Đây đã là lần thứ 3 ngân hàng trung ương nước này hạ lãi suất trong năm nay, nhằm hạn chế những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt.

Với Hàn Quốc, đáng chú ý là giá trị xuất khẩu trong tháng 9 cũng đã giảm 11,7%, do số lượng các lô hàng chất bán dẫn giảm 32% và giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 22%. Những con số này cho thấy câu chuyện về xu hướng giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết giữa những căng thẳng thương mại và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ suy yếu.

Diễn biến lạm phát tại Hàn Quốc

Diễn biến lạm phát tại Hàn Quốc

Giá trị xuất khẩu sụt giảm liên tục cùng với sự suy yếu của giá cả hàng hóa đã hạn chế hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và kỳ vọng lạm phát của người dân.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-Yeol tuần trước đã bác bỏ những quan ngại về giảm phát “quá mức”, mà cho rằng tốc độ tăng trưởng giá hàng hóa sẽ một lần nữa tăng lên 1% vào năm tới.

Nhưng, ông cũng nói rằng những rủi ro sụt giảm giá do tăng trưởng toàn cầu chậm lại gây nên đang khiến Ngân hàng Trung ương khó có thể duy trì mức dự báo tăng trưởng 2,2% của họ cho năm nay.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự báo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ nới lỏng tiền tệ trong tháng 10 hoặc tháng 11. Ngân hàng này đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm vào tháng 7 vừa qua, xuống 1,5% - chỉ cao hơn 0,25% so với mức lãi suất thấp kỷ lục từng được ghi nhận.

Cơ cấu dân số già và tiềm tăng tăng trưởng sụt giảm của Hàn Quốc là hai thách thức lớn nhất khiến rủi ro giảm phát gia tăng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh rằng mặc dù nền kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng thương mại toàn cầu hiện tại, có thể gián đoạn nhiều ngành có liên quan đến công nghệ nếu nguồn cung bị ảnh hưởng, nhưng có rất ít khả năng nó có thể kéo giảm mặt bằng giá cả hàng hóa toàn cầu.

Như Hoa

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/han-quoc-lan-dau-tien-xuat-hien-giam-phat-92889.html